Thứ tư, 06/11/2024 | 14:33 GMT+7
Tăng gấp 2 lần tỷ trọng điện năng tái tạo trên toàn cầu có thể giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm năng lượng trên toàn thế giới và cứu được 4 triệu sinh mạng mỗi năm đến năm 2030, Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế IRENA cho biết.
Theo một bản tóm tắt mới The True Cost of Fossil Fuels: Saving on the Externalities of Air Pollution and Climate Change được cơ quan IRENA xuất bản, tăng tỷ trọng điện năng tái tạo đến năm 2030 không chỉ cứu được 4 triệu sinh mạng mỗi năm mà còn tiết kiệm được 4,2 nghìn tỷ chi phí phát sinh bên ngoài mỗi năm trên toàn thế giới do việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ra (chi phí phát sinh bên ngoài là chi phí phát sinh cho bên thứ ba khi sản xuất hoặc tiêu thụ hàng hóa/dịch vụ).
Bản tóm tắt cũng nhấn mạnh những chi phí phát sinh bên ngoài do việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ra như ô nhiễm và suy thoái môi trường, ô nhiễm không khí và các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể giảm thiểu bằng cách tăng tỷ trọng điện năng tái tạo.
Liên quan đến các khí thải độc hại, bản tóm tắt cho biết tăng tỷ trọng điện năng tái tạo lên gấp hai lần đến năm 2030 có thể cắt giảm lượng khí độc hại mà các chất gây ô nhiểm thải ra như cắt giảm 82% amoniac, 33% chất dạng hạt, 27% hợp chất hữu cơ dễ bay hơi và 12% SO2.
"Thông qua việc xem xét những chi phí và lợi ích nêu trên, năng lượng tái tạo trở nên hấp dẫn hơn so với nhiên liệu hóa thạch. Để đưa ra được những quyết định về chính sách phù hợp, chúng ta phải xem xét đồng thời chi phí phát sinh bên ngoài do việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ra và giá điện", ông Dolf Gielen, giám đốc Trung tâm sáng kiến và công nghệ của IRENA cho biết.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi các nước tiêu thụ lượng than đá lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Mỹ cũng như các nước đang phát triển sẽ được hưởng nhiều lợi ích về sức khỏe khi tăng cường sử dụng điện năng tái tạo.
"Hiện nay, số tiền trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch gấp 4 lần so với năng lượng tái tạo. Tôi hi vọng rằng bản tóm tắt này sẽ khuyến khích các nước đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy việc triển khai năng lượng tái tạo".
Ngọc Diệp (Theo Cleantechnica.com)