Thứ tư, 06/11/2024 | 18:38 GMT+7
Ngoại trừ thủy năng, tất cả các năng lượng tái tạo khác đóng góp chưa đến 1% tổng sản lượng điện năng của Nga.
Số liệu trên được Russia Direct đưa ra để khẳng định rằng năng lượng gió, mặt trời và địa nhiệt của Nga kém phát triển.
Nga có nguồn năng lượng gió dồi dào ở vùng ven biển như khu vực Thái Bình Dương, Bắc Băng Dương, biển Caspian, Azov và biển Đen. Mặc dù phần lớn những khu vực này không hề có người ở nhưng nhiều công ty đã đến tìm hiểu và nghiên cứu vùng Viễn Đông và biển Đen.
Hiện nay Nga chỉ có 4 nhà máy điện gió đang hoạt động, với tổng công suất khoảng 15 MW. Sau khi Crimea sáp nhập vào Nga, công suất điện gió của Nga đã tăng lên gấp nhiều lần bởi Crimea có 6 nhà máy điện gió, với tổng công suất 74 MW. Tuy nhiên, phần lớn những nhà máy này không hoạt động do vấn đề pháp lý chưa rõ ràng.
Sản xuất điện năng mặt trời ở Nga đang phát triển, một phần do các doanh nhân ở gần Kremlin rất quan tâm đến lĩnh vực này.
Tập đoàn RENOVA của doanh nhân Viktor Vekselberg và công ty Rosnano của nhà chính trị gia kiêm doanh nhân Anatoly Chubais đã đầu tư mạnh vào Hevel, nhà sản xuất hệ thống pin mặt trời ở Chuvashia. Và trong giai đoạn 2014 - 2015, năng lượng mặt trời đã vượt qua năng lượng gió và địa nhiệt với danh mục đầu tư dự án có công suất lên tới 1.200 MW.
Khu vực tây nam nước Nga, nhất là vùng bắc Caucasus, vùng biển Đen, biển Caspian cũng như khu vực phía nam Siberia và vùng Viễn Đông vẫn sẽ là những khu vực có sản lượng điện mặt trời lớn nhất với mức 1.400 kWh điện/m2 mỗi năm.
Sản lượng điện địa nhiệt cũng đã tăng gấp ba lần trong thập kỷ qua, lên đến 82 MW. Tuy nhiên điện địa nhiệt của Nga vẫn được coi là kém phát triển. Nga có nguồn địa nhiệt dồi dào ở phía bắc Caucasus, Kamchatka và quần đảo Kuril. Theo Russia Direct, Nga có khả năng cạnh tranh với Hoa Kỳ, đất nước dẫn đầu thế giới về sản xuất điện địa nhiệt, với sản lượng 3,4 GW.
Chương trình Năng lượng tái tạo của IFC
Công ty Tài chính quốc tế IFC cho biết họ đưa ra chương trình Năng lượng tái tạo nhằm mục đích huy động vốn đầu tư và tăng quy mô đầu tư của khu vực tư nhân vào năng lượng tái tạo.
"Chương trình cũng sẽ thúc đẩy thị trường bền vững cho năng lượng tái tạo của Nga bằng cách hỗ trợ việc phát triển các chính sách, giới thiệu các cơ chế tài chính và mở rộng việc tiếp cận tài chính".
Báo cáo của IFC cho biết hiện nay sản lượng điện năng của Nga đạt mức trên 220 GW nhưng lượng điện năng được sản xuất từ dầu mỏ, khí gas hoặc than đá chiếm đến 68%.
"Để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng cao, trong vòng từ 2-4 năm nữa, Nga phải sản xuất được thêm 20.000 MW điện. Các nhà hoạch định chính sách của Nga và khu vực tư nhân nhận thấy rằng việc tăng cường sử dụng các công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và năng lượng tái tạo có thể giúp Nga đáp ứng được nhu cầu điện năng của quốc gia. Chiến lược Năng lượng của Nga đến năm 2020 đặt ra mục tiêu tâng tỷ trọng sản lượng điện năng được sản xuất từ năng lượng tái tạo lên đến 4,5% vào năm 2020".
IFC cho biết nguồn năng lượng tái tạo phong phú cùng với khung pháp lý và cơ chế hỗ trợ thích hợp, Nga hoàn toàn có khả năng đạt được mục tiêu này. Thực tế thì mỗi năm, Nga phải sản xuất thêm được 22 GW điện và cắt giảm hơn 36 triệu tấn khí thải CO2 và cần khoảng 44 tỷ đôla vốn đầu tư để hoàn thành mục tiêu.
Ngọc Diệp (Theo cleantechnica.com)