Thứ bảy, 02/11/2024 | 04:26 GMT+7

Những bức ảnh sẽ làm bạn thay đổi thói quen dùng nước lãng phí

25/03/2016

Trên thế giới có khoảng 650 triệu người, chiếm 10% dân số thế giới, không có nước sạch để dùng.

Nước là nguồn tài nguyên vô giá đối với sự sinh tồn và phát triển của muôn loài. Tuy nhiên, trên thế giới có khoảng 650 triệu người, chiếm 10% dân số thế giới, không có nước sạch để dùng. Sự khan hiếm nước nghiêm trọng dẫn đến nhiều dịch bệnh bùng phát và ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống, thậm chí là nguyên nhân của nhiều ca chết non ở trẻ em.

Hàng trăm dân làng chờ để lấy nước tại Natwarghad, phía tây bang Gujarat, Ấn Độ

Nước bẩn, nước không được xử lý là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng ở trẻ nhỏ. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, nước bẩn khiến 900 trẻ em dưới 5 tuổi thiệt mạng mỗi ngày trên toàn thế giới, nói cách khác cứ mỗi 2 phút trôi qua là có 1 trẻ em bị thiệt mạng bởi nước bẩn. Tình hình trở nên vô cùng nghiêm trọng đối với trẻ em mới sinh. Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho biết cứ mỗi phút trôi qua, các bệnh truyền nhiễm do thiếu nước sạch và môi trường ô nhiễm lại lấy đi sinh mạng của 1 người trên toàn thế giới.

Người dân sinh sống tại các khu ổ chuột tập trung để lấy nước uống từ máy bơm tay sau trận mưa rào tại Allahabd, phía bắc Ấn Độ.  

Năm nay, Ngày Nước Thế Giới (22 tháng 3) sẽ tập trung vào chủ đề nước sạch và việc làm với mục đích chính là làm rõ vai trò của nước đối với sự phát triển kinh tế, xã hội ổn định, vững chắc, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Như một hành động hưởng ứng Ngày Nước Thế Giới, chúng tôi đưa ra những bức ảnh này để nhắc nhở mỗi người trong chúng ta rằng ít nhất 1/10 người nào đó ngoài kia vẫn đang phải sống trong cảnh thiếu nước sạch.

Một bé trai tắm dưới vòi nước công cộng, ngay bên cạnh kênh nước đã bị ô nhiễm tại Kolkata, Ấn Độ.
Một phụ nữ Yemen mang theo nhiều can để chứa nước.
Vũng nước tù đọng lại trên đường ray tàu là nguồn nước cho nhiều hộ dân trong khu ổ chuột ở Mumbai.
Người dân Ghouta, Syria đào giếng để lấy nước.
Hạn hán kéo dài ở Nam Phi khiến nhiều em học sinh phải lấy nước từ những vũng nước tù đọng lại trên mặt đất.
Lũ lụt khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan nhưng trước tình cảnh thiếu nước, người dân vẫn phải sử dụng nước thiếu vệ sinh để ăn uống.
Người dân nhập cư Bangladesh và Rohingya phải hứng nước mưa trong những nơi tạm trú xập xệ tại bang Rakhine, phía bắc Myanmar.
Kênh đào bị ô nhiễm tại đông Bangalore, Ấn Độ khiến người qua đường phải nín thở mỗi khi qua cầu.
Người tị nạn Somali quay trở lại trại tị nạn ở Dadaab, Kenya sau khi đi lấy nước.
Trẻ em tắm trong những chum nước bẩn tại khu ổ chuột ở Jakarta, Indonesia.
Một bé trai uống nước từ vũng nước tù tại làng Bule Duba, Ethiopia.
Hạn hán khắc nghiệt làm khô hạn đầm nước tại tỉnh Yunnan, Trung Quốc.
Một nghiên cứu sinh thu thập mẫu nước bị ô nhiễm tại Sông Jian, bắc Trung Quốc.

Đây là hình ảnh về một trong những ca cấp cứu vì thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng của đứa trẻ 12 tháng tuổi Alassa Galisou. Trong hình là bàn tay của em đặt trên môi mẹ mình là Fatou Ousseini. Ngôi làng nơi hai mẹ con sinh sống nằm trong khu vực hạn hán nên mùa màng, đất đai và nguồn nước đều bị tàn phá, khiến cho 3,6 triệu người sống thiếu lương thực, trong đó có hàng ngàn trẻ em chết đói.

Ngày Nước Thế Giới 22 tháng 3 hàng năm được tổ chức nhằm truyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề liên quan tới nguồn nước, đặc biệt là cách tiêu thụ nước của mỗi người trên phạm vi toàn thế giới, khiến chúng ta có cái nhìn chân thực hơn về hành vi lãng phí nước và những hậu quả khôn lường mà nó gây ra đối với sự sinh tồn của chính loài người.

Nước là một tài nguyên quý và chúng ta không được phép xem nhẹ giá trị hay lãng phí nước.

Thanh Thảo (theo ibtimes.co.uk)