Thứ năm, 07/11/2024 | 02:29 GMT+7

Mô hình điện gió phi lợi nhuận cho người nghèo ven sông Hồng

24/03/2016

Công ty 1516 đang triển khai thiết kế và thử nghiệm để đưa ra mô hình hiệu quả nhất sau đó mới sản xuất hàng loạt và lắp đặt tại hiện trường.

Dự án "Điện gió sông Hồng" của công ty Kiến trúc Nội Thất Xanh 1516 sẽ thiết kế và thi công 10 hệ thống điện gió lắp đặt cho 10 hộ nghèo ở xóm vạn chài ven sông Hồng. 

Công ty 1516 đang triển khai thiết kế và thử nghiệm để đưa ra mô hình hiệu quả nhất sau đó mới sản xuất hàng loạt và lắp đặt tại hiện trường. 

Dự án phi lợi nhuận

Trao đổi với Báo điện tử Một thế giới, anh Lê Vũ Cường - Giám đốc công ty Kiến trúc Nội Thất Xanh 1516 cho biết, Việt Nam có nhiều vùng tiềm năng về năng lượng gió, tuy nhiên ít được khai thác vì lý do kinh tế. Nhưng sẽ khả thi hơn nếu có giải pháp kỹ thuật phù hợp triển khai mô hình sử dụng năng lượng gió quy mô nhỏ với chi phí dưới 1 triệu đồng dành cho những hộ nghèo

Địa điểm thực hiện dự án là xóm vạn chài khu vực ven sông Hồng có khoảng 14 hộ gia đình. Theo như anh Cường chia sẻ, hầu hết những hộ gia đình sống ở đây có đời sống rất khó khăn và không có khả năng kinh tế sử dụng điện lưới của địa phương. Một số hộ ở xa bờ nên không thể kéo nguồn điện ra ngoài bờ để sử dụng. Khi xảy ra thiên tai, những hộ dân ở đây sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là họ không có điện sử dụng trong thời gian xảy ra thiên tai.

Mô hình được tạo ra từ những vật liệu tái chế thân thiện với môi trường

Nói về tiềm năng gió tại đây, qua khảo sát, anh Cường cho rằng, khu vực bãi giữa sông Hồng cũng là khu vực có tiềm năng gió đạt yêu cầu triển khai đèn năng lượng gió (khoảng 3m/s). Do vậy, dự án tập trung khai thác năng lượng gió với quy mô nhỏ, sử dụng cho các hộ dân nghèo không có khả năng sử dụng điện lưới.

Nói về mô hình thân thiện này, anh Lê Vũ Cường cũng khẳng định với Báo điện tử Một thế giới, đây là dự án hoàn toàn phi lợi nhuận, không nhằm mục đích thương mại cho bà con ở khu vực ven sông Hồng.

Năng lượng tái tạo kết hợp kiến trúc cảnh quan

Nói về dự án điện gió này, vị Giám đốc cho biết: “Dự án sẽ thiết kế, chế tạo và đưa vào sử dụng đèn điện thắp sáng hoàn toàn từ năng lượng gió dưới mô hình chong chóng gió cho các hộ dân nghèo.

Những hộ dân này có thể sử dụng đèn phục vụ việc chiếu sáng hàng ngày và trong thời gian xảy ra thiên tai, mất điện. Mô hình điện gió chuyển năng lượng gió thành năng lượng điện chiếu sáng do đó giảm thiểu tiêu thụ năng lượng điện, góp phần giảm nhẹ tác động gây ra biến đổi khí hậu”.

Mô hình được thiết kế nhằm giảm thiểu tiêu thụ năng lượng điện, góp phần giảm nhẹ tác động gây ra biến đổi khí hậu với chi phí thấp.

Nói về chất liệu của mô hình thân thiện này, anh Cường cho biết, giai đoạn đầu công ty dự định làm mô hình từ tre nhưng vẫn băn khoăn về độ bền của vật liệu. Vì vậy, công ty đang có ý tưởng thay thế vật liệu tre bằng những vật liệu khác có độ bền cao hơn nhưng được tái sử dụng từ những vật dụng bỏ đi nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Được biết, mô hình điện gió thông thường có 2 loại theo chiều đứng hay ngang nhưng anh Cường cùng các đồng nghiệp đang nghiên cứu để đưa ra mô hình điện gió với hình thức độc đáo, sáng tạo, tạo được thẩm mỹ cao, góp phần tạo điểm nhấn cho khu vực ven sông Hồng. Tuy nhiên, anh Cường cũng đang rất đắn làm sao dung hòa giữa tính độc đáo và khai thác sức gió hiệu quả nhất.

Nguyên lý vận hành của mô hình này cũng rất đơn giản, nhờ hoàn toàn vào sức gió tự nhiên

Cũng theo anh Lê Vũ Cường, nguyên lý vận hành của mô hình điện gió này rất đơn giản, khi có gió, cánh chong chóng sẽ quay làm trục mô tơ quay, tạo ra điện năng. Lượng điện năng này được lưu trong bình ắc quy và được sử dụng cho đèn điện thắp sáng trong hộ dân.

“Đồng thời, trong quá trình sử dụng, phía công ty thường xuyên liên lạc hỗ trợ người dân về kĩ thuật nhằm đảm bảo công trình điện gió được sử dụng hiệu quả, lâu dài”, anh Cường nhấn mạnh thêm.

Mô hình cần được nhân rộng

Trong tương lai, anh Cường cũng đề xuất và có mong muốn sẽ mang mô hình này đến gần hơn với những người dân có hoàn cảnh khó khăn không chỉ ở miền Bắc, mà sẽ phục vụ được cả các hộ dân nghèo ở vùng có tiềm năng lớn hoặc trung bình về gió chưa có điều kiện sử dụng điện lưới khác trên cả nước như các vùng biển, miền núi, hải đảo…

Bởi như anh Cường chia sẻ, điều quan trọng nhất mà dự án hướng tới chính là khuyến khích người dân tự thực hiện mô hình điện gió, tận dụng năng lượng tái tạo trong đời sống hàng ngày, nhằm góp phần phát triển mô hình hoạt động trên phạm vi rộng, số lượng người sử dụng lớn, nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trên quy mô lớn hơn.

Được biết dự án "Điện gió sông Hồng" được Quỹ “Sáng kiến trẻ em và thanh niên với biến đổi khí hậu” phê duyệt và tài trợ. Quỹ được Trung tâm Live&Learn và Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam phối hợp quản lý dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia. 

Dự án sẽ được hoàn thành thi công và lắp đặt cho bà con vào đầu tháng 5.2016.

Theo Một thế giới