Thứ tư, 06/11/2024 | 22:38 GMT+7

Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế (IEA) khẳng định tăng trưởng kinh tế không làm tăng khí thải

14/04/2016

Khí thải nhà kính và tăng trưởng kinh tế luôn bị buộc chặt với nhau và được cho là một mối quan hệ đồng biến, không thể phá vỡ.

Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế (IEA) vừa công bố báo cáo mới nhất của mình, trong đó cơ quan này đã tách riêng các dữ liệu về tăng trưởng kinh tế và lượng khí thải trên toàn cầu.

Trong nhiều năm qua, khí thải nhà kính và tăng trưởng kinh tế luôn bị buộc chặt với nhau và được cho là một mối quan hệ đồng biến, không thể phá vỡ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây đã có những dấu hiệu cho thấy tình hình dường như không hẳn như chúng ta vẫn nghĩ. Theo các nghiên cứu và phân tích dữ liệu sơ bộ năm 2015 được công bố trong tuần qua bởi Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế (IEA), lượng khí thải các-bon đi-ô-xít toàn cầu đã giữ nguyên trong vòng 2 năm trong khi tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn tiếp tục tăng.

Giám đốc điều hành IEA, ông Fatih Birol cho biết: “Số liệu này đem tới một tin tức hết sức ngạc nhiên và vô cùng đáng mừng, điều đó chứng tỏ tăng trưởng kinh tế và khí thải nhà kính không hề gắn liền với nhau, thậm chí là tách biệt. Báo cáo được công bố sau Hiệp Nghị Paris về BIến Đổi Khí Hậu COP21 vài tháng và đã trở thành 1 trong những động lực thúc đẩy chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.”

Phân tích của IEA năm 2015 cho thấy năng lượng tái tạo tăng mạnh, dẫn đầu là năng lượng gió, và hiệu quả năng lượng là chìa khóa dẫn đến sự ổn định của khí thải nhà kính trong 2 năm liên tiếp.

Cụ thể, khí thải CO2 đã được duy trì ở mức 32.1 tỉ tấn vào năm 2015, gần bằng với số liệu thu được trong năm 2013. Từ dữ liệu sơ bộ có thể thấy việc tăng sản lượng điện sản xuất bằng năng lượng tái tạo đóng một vai trò chủ chốt, chiếm đến 90% lượng điện mới được sản xuất vào năm 2015.

Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế nhấn mạnh rằng, trong vòng 40 năm thực hiện tổng hợp và nghiên cứu số liệu về khí thải Co2 ra môi trường, họ thấy chỉ có duy nhất 4 giai đoạn mà lượng khí thải ra giữ nguyên hoặc giảm đi so với các năm trước đó, và mỗi giai đoạn đều gắn với một thời điểm kinh tế thế giới gặp khó khăn (ví dụ vào năm 2009 diễn ra khủng hoảng kinh tế thế giới). Tuy vậy, hiện nay kinh tế thế giới đang trong thời kì mở rộng (Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF cho biết GDP toàn cầu tăng thêm 3.4% vào năm 2014 và 3.1% vào năm 2015) mà lượng khí thải nhà kính lại không hề tăng, cho thấy một tín hiệu đáng mừng về nỗ lực của các quốc gia trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Thanh Thảo (theo cleantechnica.com)