Thứ bảy, 23/11/2024 | 05:09 GMT+7

Tương lai nào cho năng lượng tái tạo của Việt Nam

03/03/2016

Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó chủ tịch VECEA, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng tái tạo và phân bố rộng khắp trên cả nước.

Mặc dù đã được sự quan tâm rất lớn từ phía Chính phủ, nhưng đến nay, năng lượng tái tạo của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn do những rào cản về thể chế, kỹ thuật công nghệ hay kinh phí đầu tư. 

Sáng 2/3, Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC-HCMC) phối hợp với Hiệp hội KHCN về sử dụng năng lượng Tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) đã tổ chức buổi hội thảo “Năng lượng chuyển hóa - Tương lai cho Đông Nam Á”. 

Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó chủ tịch VECEA, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng tái tạo và phân bố rộng khắp trên cả nước. Trong đó, sinh khối từ các sản phẩm hay chất thải nông nghiệp có sản lượng tương đương 10 triệu tấn/năm. Tiềm năng sinh khí học đạt xấp xỉ 10 tỉ m3/năm. Chúng ta cũng có nguồn năng lượng mặt trời phong phú với bức xạ năng trung bình là 5 kWh/m2/ngày phân bổ trên khắp cả nước...

Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đặc biệt khuyến khích phát triển và sử dụng năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Đặc biệt, trong chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2050, Chính phủ Việt Nam đã đề ra tăng thị phần của năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng thương mại sơ cấp từ 3% năm 2010 lên 5% năm 2020 và 11% năm 2050. 

Để làm được điều này, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp ưu đãi đối với các nhà đầu tư. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực này sẽ được ưu đãi theo luật đầu tư, ưu đãi về biểu giá điện, miễn thuế thu nhậpthiết bị, miễn thuế sử dụng đất...

Năng lượng tái tạo đang là xu hướng phát triển của các quốc gia trong tương lai.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM, hiện Việt Nam còn đang tồn tại nhiều rào cản thách thức sự phát triển của năng lượng tái tạo.

Đầu tiên đó là cơ chế chính sách. Trong khi khung thể chế, pháp lý mới chỉ hình thành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì các chính sách về năng lượng tái tạo lại chưa đầy đủ. Điều này dẫn đến việc thiếu đồng bộ trong điều chỉnh các hoạt động năng lượng phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - chính trị - xã hội của nước ta.

Bên cạnh đó là sự hạn chế về công nghệ khi phần lớn thiết bị, sản phẩm đều phải nhập từ nước ngoài. Năng lực quản lý cũng chưa cao khi vì thiếu trầm trọng hệ thống nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành này. Các tiêu chuẩn/quy chuẩn về khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo cũng chưa được quan tâm đúng mức. 

Một khó khăn lớn nữa là vấn đề tài chính khi chi phí đầu tư cho dự án năng lượng tái tạo tương đối cao. Trong khi đó, việc tiếp cận các nguồn vốn vay cũng gặp nhiều khó khăn nếu không có sự can thiệp của Chính phủ. Sau khi sản xuất ra, giá bán điện thấp cũng góp phần làm các nhà đầu tư không mấy mặn mà. 

Theo ông Tước, ngoài việc thực hiện chính sách tiết kiệm, tận dụng được nguồn năng lượng tái tạo chính là cách tốt nhất để giải quyết bài toán thiếu hụt năng lượng hiện nay. Thế nhưng, để thực hiện được điều này, Nhà nước cần phải có những cơ chế, chính sách mạnh hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó là đẩy mạnh tuyên truyền để nhiều doanh nghiệp có thêm thông tin, dữ liệu phục vụ cho quá trình hoạt động.

Theo Khám Phá