Thứ bảy, 02/11/2024 | 08:17 GMT+7
Sau khi các nước đạt được thỏa thuận chung về khí hậu tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu COP 21 tổ chức tại Paris, Pháp tháng 12 vừa qua, tờ The Telegraph đã thực hiện một nghiên cứu về khả năng đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo của các quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, theo số liệu của Eurostat, nhiều quốc gia hiện còn đang ở xa mục tiêu về tiêu thụ năng lượng tái tạo của chính mình.
Dựa trên mức tăng trưởng từ năm 2010 đến năm 2013, 11 trong số 29 quốc gia châu Âu sẽ không đạt được mục tiêu đến 2020 của mình - bao gồm cả Anh, Ai-len, Tây Ban Nha, Pháp và Đức. Tuy nhiên, những thay đổi căn bản trong chính sách năng lượng có thể ảnh hưởng dự báo này.
Anh, quốc gia hiện đang cân nhắc một số nguồn năng lượng khác nhau như năng lượng hạt nhân và năng lượng mặt trời, trong năm 2015 vừa qua, lần đầu tiên đã sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn than đá. Tuy nhiên, Anh lại là quốc gia châu Âu còn đang ở xa mục tiêu của mình nhất. Mục tiêu đó chính là có được 15 phần trăm tổng năng lượng đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2020.
Hà Lan và Pháp là những nước tiếp theo còn đang ở xa mục tiêu 2020, mặc dù đã tính đến các cam kết về khí hậu mà các quốc gia này đã đưa ra tại COP 21.
Trái lại, Thụy Điển và Na Uy đang tỏ ra là những nước Bắc Âu dẫn đầu châu Âu về lĩnh vực năng lượng tái tạo. Hơn một nửa lượng tiêu thụ năng lượng của Thụy Điển và Na Uy là từ các nguồn tái tạo, gấp mười lần tỷ lệ ở Anh.
Pháp và Đức, hai quốc gia lớn nhất châu Âu và cũng là láng giềng của Anh, đạt được tỷ lệ 14,2 và 12,4 phần trăm tổng năng lượng là năng lượng tái tạo vào năm 2013, nhiều hơn gấp đôi tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo hiện tại của Anh.
Hoa Nguyễn ( theo The Telegraph)