Thứ năm, 07/11/2024 | 06:46 GMT+7

Sản xuất khí đốt sinh học từ pho mát

13/02/2016

Pháp nổi tiếng với pho mát và bây giờ họ đang tận dụng điều đó. Một phần điện năng của Albertville, một thành phố nhỏ nằm ở biên giới giữa Pháp và Italia, được cung cấp bởi pho mát.

Một cơ sở sản xuất khí đốt sinh học mới đã tìm ra cách sử dụng sản phẩm phụ của pho mát Beaufort, một sản phẩm trong khu vực, để tạo ra điện.

Pho mát Beaufort được sản xuất từ ​​sữa của những con bò được chăn thả trên đồng cỏ trên dãy Alps thuộc vùng Haute-Savoie. Khi sản xuất pho mát, muối, khoáng chất, chất đạm và nước sữa là những sản phẩm phụ chính. Nước sữa có thể được sử dụng để sản xuất ra các thực phẩm khác, nhưng thành phố Albertville cón dư thừa rất nhiều nước sữa. Và EDF, một công ty năng lượng của thành phố Albertville đã tìm ra giải pháp cho vấn đề này.

Dù mới hoạt động được 2 tháng nhưng công ty EDF đã nghĩ ra cách dùng tất cả phần nước sữa còn dư thừa, làm lên men để sản xuất khí metan. Khí metan có thể cung cấp năng lượng cho một động cơ để đun nóng nước, sản xuất ra điện. Phương pháp sản xuất khí sinh học này tạo ra 2.8 triệu kW điện/giờ mỗi năm, đủ để cấp điện cho khoảng 1,500 người. Mặc dù thành phố Albertville có dân số khoảng 19.000 người, việc có thể cung cấp một phần điện năng từ nguồn nguyên liệu sinh học cũng rất đáng ca ngợi.

Nước sữa thu được từ quá trình sản xuất pho mát được sử dụng để tạo ra khí metan 

Valbio - tổ chức thực hiện dự án sản xuất điện từ nước sữa  đã xây dựng 20 nhà máy trên toàn châu Âu và Canada. Nhưng nhà máy ở thành phố Albertville là nhà máy lớn nhất.

Nước sữa còn có thể được tạo ra trong quá trình sản xuất sữa chua Hy Lạp. Tại Hoa Kỳ, nhà máy sữa chua FAGE đã dùng nước sữa để tạo ra khí metan, cung cấp điện năng cho chính nhà máy.

Sản xuất ra khí đốt sinh học không phải là cách duy nhất để sản xuất ra điện từ rác thải thực phẩm. Tại New Zealand, men bia có thể tạo ra điện năng để cung cấp cho các phương tiện giao thông. Các nhà nghiên cứu công nghệ của bang Virginia lại đang tìm cách biến đường thành hydro để sản xuất ra tế bào nhiên liệu, còn hãng hàng không Mỹ - United đang sản xuất nhiên liệu sinh học từ chất thải thực phẩm. Dù pho mát nổi tiếng nhất ở Pháp nhưng việc sản xuất điện từ nước sữa có thể lan rộng khắp thế giới. 

Ngọc Diệp (Theo The Green Optimistic)