Thứ năm, 07/11/2024 | 11:45 GMT+7
Lấy cảm hứng từ những vấn đề gần gũi và thực tế ở các vùng sâu vùng xa của đất nước, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Kỹ thuật và Công nghệ Peru (UTEC) vừa phát triển một công nghệ đáng chú ý: đèn LED giá rẻ sử dụng đất và các loại cây làm pin.
Loại đèn có cái tên thú vị là Plantalámpara - hay "đèn thực vật" – bởi lẽ, về mặt kỹ thuật, nó sử dụng năng lượng từ các vi sinh vật có trong đất được thải ra từ các cây xanh. Nhờ một lưới sản xuất năng lượng được đặt dưới lớp đất, chiếc đèn này có thể tạo ra đủ điện để thắp sáng hai giờ mỗi ngày.
Trên trang dự án của UTEC, giáo sư Elmer Ramirez – giáo sư về lĩnh vực Công nghệ Năng lượng, giải thích quá trình tạo ra chiếc đèn: "Chúng tôi thiết kế một chậu cây bằng gỗ có hệ thống thoát nước rồi cho đất và trồng cây vào, sau đó đặt bộ phát điện có chứa đất và các điện cực có khả năng chuyển đổi các chất dinh dưỡng của cây thành năng lượng điện."
Về mặt kỹ thuật, chiếc đèn thực ra hoàn toàn không có gì phức tạp: một chậu cây với lưới điện được đặt bên dưới lớp đất. Lưới điện thu lấy các electron tự do sinh ra bởi quá trình oxy hóa và lưu trữ năng lượng vào một pin thông thường cũng được vùi trong đất. Pin sau đó được sử dụng để thắp sáng bóng đèn LED loại tiêu thụ ít năng lượng.
Chiếc “đèn thực vật” được tạo ra bởi một đội ngũ các giảng viên và sinh viên tại UTEC để giúp đỡ những người dân nghèo của làng Nuevo Saposa, một cộng đồng người Peru bản địa cư trú trong một khu vực rừng nhiệt đới xa xôi, nơi có rất ít hoặc thậm chí không có điện. Lũ lụt gần đây lại càng làm vấn đề thiếu điện trầm trọng hơn. Theo ước tính của UTEC, có khoảng 42% dân số trong khu vực phải chịu cảnh không có điện. Đối với các gia đình có trẻ nhỏ hoặc có con em còn đang đi học, việc thiếu ánh sáng vào buổi tối là một vấn đề không nhỏ.
Các nhà nghiên cứu của UTEC hy vọng rằng phát minh mới của họ sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào những chiếc đèn dầu vừa nguy hiểm vì dễ gây cháy nổ vừa có hại cho sức khỏe. Cho đến nay, UTEC đã sản xuất được 10 chiếc đèn mẫu và đem phân phát cho các gia đình trong làng Nuevo Saposoa.
Hoa Nguyễn (theo MIT Technology Review)