Thứ hai, 23/12/2024 | 18:11 GMT+7
Đầu tư 400 triệu USD xây nhà máy thủy điện trên sa mạc khô cằn nhất thế giới dường như bất khả thi về mặt kỹ thuật, nhưng Chile xem đây là một cuộc cách mạng nhằm sản xuất năng lượng xanh.
Ý tưởng của dự án là tận dụng địa lý độc đáo của sa mạc Atacama để giải quyết một trong những vấn đề khó xử lý nhất của năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời và năng lượng sức gió): tính không liên tục. Mặt Trời không phải luôn chiếu sáng và gió không thổi thường xuyên. Tuy nhiên, ở đất nước Chile hẹp dài, những ngọn núi luôn nằm kề sát bên biển.
Atacama là sa mạc khô cằn nhất thế giới
Theo Phys.org, công ty năng lượng Valhalla của Chile muốn sử dụng năng lượng mặt trời để bơm nước từ Thái Bình Dương vào hai hồ trữ nước trên dãy núi Andes. Sau đó, nước sẽ chảy vào nhà máy thủy điện có công suất 300 megawatt, đủ để cung cấp điện cho ba tỉnh ở Chile, trước đây vốn dựa chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch.
"Đây là nơi duy nhất trên thế giới phát triển dự án kiểu này", Francisco Torrealba, quản lý chiến lược công ty, cho biết.
Hai hồ trữ nước trên đỉnh núi có sức chứa tương đương 22.000 bể bơi Olympic, cho phép sản xuất điện liên tục. "Công nghệ tương tự được thử nghiệm trên khắp thế giới nhưng sự kết hợp đặc biệt kiểu này thì chưa", Torrealba nói.
Cơ quan môi trường Chile đã thông qua dự án xây dựng nhà máy. Valhalla dự kiến khởi công cuối năm 2016 và hoàn thành công trình trong thời gian 3,5 năm. Công ty cũng đang nghiên cứu ba khu vực khác có những đặc điểm giống sa mạc Atacama.
Theo Vnexpress