Thứ sáu, 22/11/2024 | 21:17 GMT+7
Nằm trong chương trình khảo sát, tìm hiểu vật liệu xây không nung (VLXKN) tại một số địa phương, sáng ngày 17/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy và đại diện Vụ Vật liệu xây dựng đã có chuyến khảo sát tại khu dân cư Ehome 4 (Thuận An, Bình Dương); thăm Nhà máy sản xuất Gạch bê tông khí chưng áp Hưng Khang và Dự án Park Residence (Nhà Bè, TPHCM).
Thứ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, để đưa được chủ trương sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung trước hết phải có nguồn sản phẩm thay thế. Hiện nay công suất gạch không nung đã đáp ứng được trên 25% vật liệu xây trên toàn quốc, đảm bảo các tiêu chuẩn của chương trình đề ra.
Qua buổi khảo sát này, Thứ trưởng cũng lưu ý nhà sản xuất cần liên tục cải tiến kỹ thuật để nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm; đồng thời, cũng cần cử cán bộ kỹ thuật giám sát hướng dẫn chủ đầu tư, khách hàng khi sử dụng vật liệu bê tông khí chưng áp nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng cho công trình.
Sau khi khảo sát tại 2 dự án nhà ở là Ehome 4 (Thuận An, Bình Dương) và Park Residence (Nhà Bè, TPHCM), Thứ trưởng Đỗ Đức Duy và đoàn công tác đã có thêm niềm tin rằng, VLXKN chắc chắn đi vào cuộc sống.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy tham quan Nhà máy sản xuất Gạch bê tông khí chưng áp HASS tại Bình Dương
Dự án Ehome 4 nằm trên diện tích hơn 6 ha, hiện đã có hàng trăm căn hộ được bàn giao và cư dân đã đến ở hơn 2 năm nay, các cư dân ở đây rất hài lòng về chất lượng căn hộ đảm bảo các tiêu chí xanh về môi trường cũng như tiết kiệm năng lượng.
Dự án này đã được chủ đầu tư Nam Long sử dụng 100% gạch AAC cho tường ngăn, gạch block đá mi. Dự án Park Residence đã sử dụng 80% VLXKN và dùng cả ở những chỗ dễ thấm nước như nhà vệ sinh, tường bao.
Chị Lê Thị Ngọc Sương, cư dân tại khu Ehome 4 chia sẻ với Thứ trưởng, tôi đã ở đây được 2 năm rồi nhưng không thấy có hiện tượng nứt, hay ngấm nước gì hết. Sống trong căn hộ của tôi luôn có cảm giác mát mẻ, dễ chịu vì vậy chúng tôi ít khi phải dùng máy lạnh.
Sau buổi khảo sát, Thứ trưởng đánh giá, với nhiều ưu điểm của VLXKN như nhẹ, thi công nhanh, tiết kiệm được chi phí, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, tuy có đôi chút trở ngại (thi công đòi hỏi tay nghề cao hơn, giám sát chặt chẽ…).
Chính phủ quyết tâm thực hiện đến năm 2020, sẽ thay thế khoảng 30 - 40% VLXKN. TPHCM có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu sử dụng lớn, quyết tâm của chính quyền thành phố rất cao. Giờ đây có công cụ pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhà cung cấp… Do đó, mọi thứ đã sẵn sàng cho VLXKN được phát triển rộng rãi.
Theo Báo Xây dựng