Thứ sáu, 22/11/2024 | 04:32 GMT+7

Nhiều sáng kiến giao thông giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính

05/12/2015

Giao thông được xem là ngành có mức phát thải khí CO2 cao nhất trong các ngành công nghiệp

Giao thông được xem là ngành có mức phát thải khí CO2 cao nhất trong các ngành công nghiệp, do đó tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP21 đang diễn ra tại Pháp, các đại diện của ngành giao thông trên toàn thế giới đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và xây dựng các hệ thống giao thông bền vững hơn.

Trong số các sáng kiến được nêu ra tại Hội nghị COP21 có Sáng kiến Tiết kiệm Năng lượng Toàn cầu (GFEI) nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.


GFEI do nhiều tổ chức hỗ trợ, trong đó có Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Trong năm 2015 đã có thêm 40 nước tham gia GFEI, đưa tổng số quốc gia cam kết sẽ cải tiến hiệu quả sử dụng năng lượng của các phương tiện giao thông, bằng cách ban hành các chính sách và các quy định theo sáng kiến này lên 65 nước.

Việc 40 nước mới tham gia GFEI trong năm nay cho thấy phong trào này đang được đẩy mạnh và rất có thể đạt được mục tiêu đề ra là đến năm 2016 sẽ có tổng cộng 100 quốc gia tham gia sáng kiến này.

Theo IEA, để có thể đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 2 độ C, thì đến năm 2030 ít nhất 20% phương tiện giao thông (ôtô, xe tải, xe bus...) phải chạy bằng điện, nhiên liệu không phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Cũng tại hội nghị, nhiều công ty, thành phố, chính phủ và hiệp hội đã ra những tuyên bố và giới thiệu những sáng kiến về việc phát triển các phương tiện giao thông bằng điện, đồng thời kêu gọi các đối tác khác tham gia nỗ lực này.

Một sáng kiến khác cũng được đưa ra tại Hội nghị COP 21, là kế hoạch mang tên "MoniliseYourCity" nhằm hỗ trợ 100 thành phố và 20 quốc gia mới nổi và đang phát triển đến năm 2020 phát triển và thực hiện các chính sách giao thông đô thị và giao thông quốc gia bền vững.

Mỗi thành phố cam kết đến năm 2050 sẽ giảm từ 50-70% lượng khí thải từ phương tiện giao thông so với mức hiện nay. Kế hoạch này dự kiến sẽ được thực hiện thí điểm tại 20 thành phố ở 13 nước châu Phi, Nam Á, Nam Mỹ và Trung Đông. Các nhà tài trợ trước mắt đã cam kết khoản tín dụng 5,5 triệu euro cho chương trình này.

Vận chuyển hàng hóa là ngành có mức tăng lượng khí thải nhanh nhất trong số các ngành giao thông, do đó tại Hội nghị COP 21, một kế hoạch mang tên "Kế hoạch Hành động Vận chuyển hàng hóa Xanh toàn cầu" cũng đã được đưa ra. Đến nay đã có 13 nước tham gia sáng kiến này.

Đối với giao thông hàng không, quốc tế đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ ổn định lượng khí thải từ ngành này. Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế đến nay đã nhận được 74 kế hoạch hành động từ các quốc gia.

Các thành viên của Nhóm Hành động Giao thông Hàng không, đại diện cho gần 1.900 sân bay và 258 hãng hàng không quốc tế đang thực hiện nhiều chương trình theo hướng giảm khí thải CO2. Họ cũng đã cam kết bỏ ra hàng tỷ USD để nghiên cứu chế tạo những máy bay mới sử dụng ít nhiên liệu hơn, hoặc sử dụng nhiên liệu sạch.

Về giao thông đường sắt, trong khuôn khổ sáng kiến của Liên hiệp Đường sắt Quốc tế (UIC), ngày càng có nhiều công ty đường sắt đề ra những kế hoạch để giảm tiêu thụ năng lượng và giảm khí thải từ tàu hỏa.

Hiện các phương tiện giao thông đã chiếm tới 1/3 lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Trong khi đó, nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa ngày càng tăng, nhất là tại các nước mới nổi và các nước đang phát triển.

Các chuyên gia đã tính toán rằng đến năm 2050, thế giới hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu giảm 50% lượng khí thải từ các phương tiện giao thông, so với mức hiện nay mà không ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các quốc gia.

Theo Vietnamplus