Thứ sáu, 27/12/2024 | 07:18 GMT+7
Vừa qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc phối hợp với Văn phòng Khoa học và Công nghệ, Hội đồng nghiên cứu Khoa học công nghệ quốc gia Hàn Quốc (NST) và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Chương trình Đào tạo công nghệ năng lượng bền vững với sự tham gia của các chuyên gia Việt Nam, Hàn Quốc, Lào, Myanmar và Indonesia.
Theo tiến sỹ Chae Jun Song, Giám đốc Chính sách và Chiến lược Hội đồng nghiên cứu Khoa học công nghệ quốc gia Hàn Quốc (NST), trong các thập kỷ gần đây, cùng với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế thế giới, nguồn năng lượng dự trữ đã được dự báo sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt, mức độ tiêu thụ năng lượng toàn cầu sẽ tăng rất lớn và các doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới đang không ngừng nghiên cứu tìm nguồn năng lượng mới, có khả năng tái tạo.
Bên cạnh đó, truyền thống sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã làm gia tăng các mối quan tâm về môi trường. Việc đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra những tác động xấu đến môi trường như hiệu ứng khí nhà kính, tăng lực phóng xạ và gây ra sự nóng lên toàn cầu.
Hướng tới sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo chính là một trong những cách giúp giải quyết vấn đề tăng nhu cầu năng lượng trên thế giới.
Trước thách thức về nguy cơ thiếu hụt năng lượng tại Việt Nam trong vòng một thập kỷ tới, Phó Giáo sư, tiến sỹ Vũ Văn Khiêm, Cục trưởng Cục công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, với mức tiêu thụ năng lượng như hiện nay, trong tương lai, Việt Nam sẽ chuyển từ nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu năng lượng và mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu ngày một tăng.
Do đó, để có thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng của một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, vấn đề then chốt là cần giảm việc sử dụng các nguồn tài nguyên khan hiếm thông qua những biện pháp như tăng cường hiệu quả năng lượng.
Chương trình Đào tạo công nghệ năng lượng bền vững là cơ hội cho các quốc gia Đông Nam Á cùng thảo luận, tìm hiểu và chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm về phát triển công nghệ năng lượng bền vững, cũng như đề xuất các dự án với các cơ quan tài trợ phát triển quốc tế với mục đích phát triển công nghệ năng lượng bền vững phù hợp đối với từng hoàn cảnh của mỗi quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, các hoạt động của Chương trình được tổ chức nhằm cung cấp nhận thức về vai trò, năng lực và mục tiêu của Hội đồng nghiên cứu khoa học công nghệ quốc gia, các Viện nghiên cứu về công nghệ và năng lượng của Hàn Quốc trong việc tăng cường năng lực của các nước đang phát triển trong quản lý và phát triển năng lượng bền vững.
Các đại biểu tham dự chương trình cũng được cung cấp thông tin một cách toàn diện về khái niệm năng lượng bền vững, công cụ, công nghệ, các giải pháp và mối tương quan của chúng trong phát triển bền vững, tạo thuận lợi cho việc trao đổi hợp tác và sự phát triển của quan hệ đối tác giữa các bên liên quan ở địa phương, quốc gia và khu vực cho sự phát triển và ứng dụng các giải pháp năng lượng phù hợp và bền vững tại địa phương.
Ngoài ra, Chương trình cũng giúp hình thành kênh hợp tác phát triển các ý tưởng về các dự án khả thi hoặc đề xuất giải pháp trong lĩnh vực công nghệ năng lượng bền vững ở các nước đang phát triển; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các đề xuất dự án thông qua kế hoạch hành động đã cam kết để tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, phát triển hơn nữa các mạng lưới liên kết khu vực về chuyển giao công nghệ năng lượng tiên tiến từ Hàn Quốc cho các quốc gia Đông Nam Á.
Theo TTXVN