Thứ sáu, 22/11/2024 | 15:46 GMT+7
So với các vùng còn lại thuộc Vương quốc Anh, Bắc Ireland là khu vực nghèo tài nguyên năng lượng hơn cả. Trong suốt nhiều thập kỷ, vùng đất này phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào nguồn nhiên liệu bên ngoài để đáp ứng nhu cầu sản xuất điện năng. Giờ đây, trong bối cảnh năng lượng tái tạo đang trở thành xu thế tất yếu của nhân loại, Bắc Ireland đã triển khai nhiều dự án điện gió, điện mặt trời và mới đây nhất là dự án xây dựng nhà máy điện sinh khối từ chất thải lớn nhất trong lịch sử của mình.
Nhà máy điện sinh khối này dự kiến sẽ được xây dựng tại thủ phủ Belfast với công suất 61 GW, đủ để cung cấp cho 4500 hộ gia đình. Nó cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra 250 việc làm thời vụ thuộc lĩnh vực xây dựng và 20 việc làm dài hạn thuộc lĩnh vực năng lượng sau khi đi vào hoạt động. Tổng quy mô đầu tư của dự án này lên đến 107 triệu bảng Anh, trong đó khoảng 50% (47 triệu bảng) sẽ được tài trợ bởi Ngân hàng Đầu tư xanh Vương quốc Anh.
"Dự án này có quy mô lớn chưa từng thấy, không chỉ riêng đối với thành phố Belfast mà còn đối với cả toàn bộ nền kinh tế Bắc Ireland," ông Jonathan Bell, bộ trưởng bộ thương mại hội đồng hành pháp Bắc Ireland, cho biết. "Sau khi hoàn thành, nhà máy này sẽ tạo ra nguồn điện ổn định hơn, sạch hơn, góp phần tạo việc làm cho người lao động và giúp các nhà chức trách địa phương sớm thực hiện được những cam kết về mức giảm thiểu rác thải và phát thải khí nhà kính."
Dự kiến, kế hoạch xây dựng sẽ được tiến hành trong vòng hai năm và nhà máy điện sinh khối này sẽ chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2017.
Anh Tuấn (Theo Business Green)