Thứ năm, 07/11/2024 | 22:50 GMT+7

Tòa nhà xanh không thể thiếu phần mềm quản lý năng lượng

10/11/2015

Những ứng dụng có chức năng báo cáo về phát thải cacbon, kiểm soát tiêu thụ năng lượng, quản lý rủi ro và quản lý chi phí tiêu thụ điện đóng vai trò quan trọng trong các tòa nhà hiện đại.

Những ứng dụng có chức năng báo cáo về phát thải cacbon, kiểm soát tiêu thụ năng lượng, quản lý rủi ro và quản lý chi phí tiêu thụ điện đóng vai trò quan trọng trong các tòa nhà hiện đại.

Phòng điều khiển quản lý của trung tâm hội nghị Quốc Gia ứng dụng hệ thống iBMS.

Quản lý năng lượng  bao gồm quản lý mức sử dụng điện với mục tiêu dùng ít điện hơn và tăng cường dùng năng lượng tái chế. Chẳng hạn, giảm lượng điện dùng trong giờ cao điểm, thường là các ngày trong tuần từ 12 giờ trưa đến 6 giờ tối, và chuyển sang dùng nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời để đáp ứng nhu cầu năng lượng thiếu hụt.

Một giải pháp quản lý năng lượng tốt không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm tiền mà còn có nhiều tác động tích cực đến môi trường, giảm ô nhiễm cacbon và giảm biến đổi khí hậu.

Xây dựng các tòa nhà cao tầng bao gồm triển khai đồng bộ nhiều hạng mục cơ điện trong tòa nhà như hệ thống điều hòa không khí (HVAC), hệ thống chiếu sáng, hệ thống quản lý điện năng, hệ thống bơm, v.v… Việc triển khai nhiều hệ thống cơ điện phức tạp trong tòa nhà dẫn đến những khó khăn trong việc vận hành quản lý,  đồng bộ các hệ thống. Những nhu cầu bức thiết này dẫn đến việc phải triển khai quản lý tập trung các hệ thống cơ điện trong tòa nhà, đo đếm, giám sát, điều khiển nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng cũng như tiết kiệm chi phí vận hành, từ đó dẫn tới hình thành và phát triển hệ thống tự động hóa tòa nhà hay còn được gọi là hệ thống quản lý tòa nhà thông minh (iBMS).

Ngày nay, đồng hành với việc xây dựng rộng khắp các tòa nhà cao tầng, khái niệm “Tòa nhà xanh” ngày càng phổ biến.

Ở một số nước, để đạt được công trình hạng A, các chủ đầu tư bắt buộc phải đầu tư hệ thống iBMS. Ví dụ như ở Singapore hiện nay, để xin được giấy phép xây dựng tòa nhà, yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư phải có cam kết đạt chứng chỉ “Tòa nhà xanh”.

Ngay tại Việt Nam, một số dự án như của Big C, tòa nhà Keangnam, tòa nhà Lotte đã sử dụng hệ thống iBMS của Schneider Electric để đạt chứng chỉ "Tòa nhà xanh".

Theo những phân tích kinh doanh gần đây chỉ ra rằng, hiệu suất hoàn vốn cho việc đầu tư “Toà nhà xanh”  với việc ứng dụng giải pháp iBMS  luôn cao hơn trong cả 2 trường hợp toà nhà mới và toà nhà đang sử dụng nếu so sánh với  việc xây dựng toà nhà thông thường. Việc đo đếm, giám sát , quản lý đảm bảo cho các thiết bị trong toà nhà chỉ sử dụng trong trường hợp cần thiết, để đảm bảo tất cả các hệ thống hoạt động ở hiệu năng cao nhất nhằm nâng cao hiệu suất hoàn vốn đầu tư.

Chỉ số hoàn vốn (ROI) dựa trên báo cáo của các chủ đầu tư các dự án toà nhà xanh ở Mỹ cho thấy tăng được 9,9% ở các toà nhà mới, và 19,2 % ở các toà nhà đang hoạt động.

Hiện nay, vòng đời của một tòa nhà vào khoảng 35-40 năm, trước đây các chủ đầu tư chủ yếu tập trung vào khoảng thời gian từ 3-5 xây dựng tòa nhà mà quên mất đi chi phí chủ yếu của một tòa nhà lại nằm trong thời gian hoạt động. Việc đầu tư vào hệ thống iBMS có thể tiết kiệm cho chủ đầu tư đến 10% chi phí trong vòng đời sử dụng, cũng như tiết kiệm đến 30% điện năng tiêu thụ của tòa nhà.

Với việc thay đổi cách nhìn trong đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư hiện nay đã nhanh nhạy nắm bắt được những ưu điểm của hệ thống iBMS và ứng dụng trong những công trình của mình nhằm tạo ra những ưu thế cạnh tranh cũng như giải quyết bài toán phát triển bền vững của doanh nghiệp mình.

Giải pháp nào cho hệ thống quản lý tòa nhà xanh?

Theo một báo cáo mới từ công ty nghiên cứu độc lập Verdantix, hiện trên thế giới có 8 công ty lớn phát triển, xây dựng phần mềm quản lý năng lượng, bao gồm: Elster EnergyICT, EnerNOC, Envizi, eSight Energy, IBM, Schneider Electric, Siemens Building Technologies, Verisae. Giải pháp của các công ty này giúp đảm bảo việc vận hành và tiết kiệm cho các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu.

Báo cáo Green Quadrant 2015 về Phần mềm quản lý năng lượng (Building Energy Management Software) cho tòa nhà được Verdantix tổng hợp các dữ liệu đánh giá từ 27 nhà cung cấp, các nhà sử dụng để tìm ra những ứng dụng mang đến hiệu quả trong việc tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Giao diện phần mềm quản lý năng lượng tòa nhà StruxureWare Resource Advisor.

Báo cáo này cung cấp một sự chỉ dẫn cho các lãnh đạo cao cấp và những người chịu trách nhiệm ra quyết định tại các doanh nghiệp, bao gồm các Giám đốc tài chính (CFO), giám đốc phụ trách các mảng năng lượng, thiết bị, bất động sản, và trưởng bộ phận mua hàng. Báo cáo cũng hỗ trợ cho các ngành ngân hàng, dịch vụ kinh doanh, chăm sóc sức khỏe, khách sạn, giải trí, bảo hiểm, truyền thông và bán lẻ trong việc chọn lựa một nhà cung cấp phần mềm giúp quản lý việc cung cấp, tiêu thụ cũng như chi phí năng lượng cho các doanh nghiệp, từ doanh nghiệp có quy mô nhỏ cho đến các doanh nghiệp lớn.

Trong báo cáo Green Quadrant 2015 về Phần mềm quản lý năng lượng cho tòa nhà, Schneider Electric được ghi nhận là công ty cung cấp ứng dụng dẫn đầu trong lĩnh vực này. Nền tảng phần mềm ứng dụng về quản lý năng lượng StruxureWare Resource Advisor của Schneider Electric được đánh giá cao nhờ vào những thế mạnh như chức năng báo cáo về phát thải carbon, kiểm soát tiêu thụ năng lượng, quản lý rủi ro và quản lý chi phí tiêu thụ điện.

Báo cáo cũng chỉ ra các nhà cung cấp phần mềm độc lập như DEXMA, Envizi, eSight Energy, Verisae và Lucid cũng mang đến giải pháp mạnh mẽ đáng chú ý. Các giải pháp khác đến từ Ameresco, EnerNOC, Siemens Building Technologies và Schneider Electric được đánh giá cao trong hệ thống giải pháp năng lượng tích hợp.

Theo PC World