Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:12 GMT+7
Ngày 25/8, Văn phòng Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) tỉnh Bến Tre phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức lớp tập huấn về kiến thức BĐKH cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán ngành GD&ĐT. Khoảng 250 cán bộ quản lý và giáo viên, phụ trách giảng dạy các bộ môn: Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ, của 9 phòng GD&ĐT tham dự.
Lớp tập huấn nhằm mục đích cập nhật cho các cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên những thông tin về BĐKH, nâng cao nhận thức, tập huấn kỹ năng để từ đó triển khai công tác truyền thông, giáo dục tại địa phương, đơn vị. Sau khi được tập huấn, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên sẽ triển khai lại tại đơn vị, thông qua các hình thức như: tổ chức sinh hoạt ngoại khóa cho các khối lớp; sinh hoạt tổ chuyên môn và tìm những địa chỉ thích hợp (bài, chương…) để tích hợp, lồng ghép nội dung về BĐKH vào giảng dạy; tổ chức học theo chuyên đề về BĐKH ở các môn học có liên quan (Lý, Hóa, Sinh và Công nghệ…); thao giảng, dự giờ có nội dung về BĐKH, trao đổi chuyên môn và rút kinh nghiệm tiết dạy.
Ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre cho rằng: BĐKH là vấn đề hiện hữu mà chúng ta có thể cảm nhận rõ trong cuộc sống. Đây không phải là điều gì đó xa rời thực tế mà nó đã và đang tác động, gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của mỗi chúng ta. Các hiện tượng biểu hiện rõ nhất là sự nóng dần lên của Trái đất, nước biển dâng, thời tiết cực đoan, lũ lụt, hạn hán, mưa bão trái mùa, sự xâm nhập sâu của nước mặn… Trước tình hình đó, công tác giáo dục nâng cao nhận thức nhằm cung cấp các kỹ năng để ứng phó, thích ứng và giảm nhẹ hậu quả của BĐKH là rất cần thiết. Ngành GD&ĐT có vai trò quan trọng trong công tác truyền thông, giáo dục về ứng phó với BĐKH.
Ông Đoàn Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Phó Chánh Văn phòng Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH tỉnh trình bày một số nội dung về: BĐKH và thách thức đối với đồng bằng sông Cửu Long, tác động BĐKH đến tỉnh Bến Tre; Nghị quyết số 24 Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các giáo viên còn tổ chức tích hợp, lồng ghép các kiến thức về BĐKH vào các môn học.
Trước đó, Văn phòng Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH tỉnh đã xây dựng và phát hành Sổ tay hướng dẫn giáo viên về BĐKH. Đây được xem như là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho giáo viên trong việc giáo dục cho học sinh về BĐKH và tác động của chúng. Nội dung cuốn sổ tay gồm 3 bài: BĐKH - nó là gì và nguyên nhân gây ra nó; Ảnh hưởng của BĐKH; Làm thế nào chúng ta có thể ngăn chặn BĐKH. Mỗi bài học bao gồm kiến thức cơ bản và kiến thức bổ sung cho học sinh và giáo viên.
Ngoài ra, bài học còn có một danh sách những hoạt động đã được thiết kế để tăng cường sự hiểu biết của học sinh về BĐKH. Cuốn sổ tay được biên soạn theo trình tự các bước: đầu tiên là khảo sát nhu cầu ở trường học; kế tiếp là thu thập thông tin từ các sở, ngành có liên quan như: Sở Y tế, Công ty Điện lực, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; sử dụng tài liệu có từ 2 dự án ở đồng bằng sông Cửu Long: Dự án Quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng, Dự án Bảo tồn và phát triển Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang, cả hai dự án đều được hỗ trợ bởi tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức làm cơ sở cho tài liệu này.
Với những kiến thức cơ bản trong quyển sổ tay, giáo viên có thể cập nhật kiến thức về BĐKH, tác động của BĐKH đến Việt Nam trong tương lai và cụ thể là các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Những ý tưởng để tiết kiệm năng lượng trong thực tiễn sẽ được giáo viên chia sẻ với học sinh nhằm mục đích thực hiện các giải pháp làm giảm tác động của BĐKH bằng cách thay đổi hành vi và thói quen sử dụng năng lượng. Thông tin và hoạt động liên quan đến đa dạng sinh học tại Bến Tre cũng sẽ góp phần giúp giáo viên nâng cao kiến thức về động vật, thực vật cho học sinh và sự cần thiết để bảo vệ các loài động vật, thực vật cho tương lai.
Theo Báo Đồng Khởi