Thứ sáu, 22/11/2024 | 19:30 GMT+7
Khí CO2 hay khí nhà kính là “thủ phạm” chính làm nóng bầu không khí bao quanh Trái Đất, tạo ra “Biến đổi Khí hậu” đe dọa sự tồn tại của loài người. Với sự phát thải khí nhà kính, nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế đang tham gia vào hoạt động có hại và cũng đang tìm mọi cách ngăn chặn mức độ gây hại này..
Có thể đề cập đến một lĩnh vực quan trọng nhất như ngành năng lượng hoặc liên quan với rất nhiều người như ngành hàng không.
Ngành năng lượng hy vọng giảm CO2 sau 2020
Ngành năng lượng hay cụ thể là các nhà máy phát điện chính là nơi phát khí thải quan trọng nhất, gấp đôi tất cả các nguồn phát thải cộng lại. Vì vậy, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đòi hỏi trước hết và chủ yếu vào sự nỗ lực của ngành công nghiệp này.
Tổ chức Năng lượng Quốc tế (viết tắt tiếng Anh là AIE), ngày 15/06/2015, vừa công bố một bản báo cáo về năng lượng và biến đổi khí hậu. Đánh giá xu thế biến đổi khí hậu, AIE cho rằng: với các nỗ lực như hiện nay, kịch bản 2,6°C (tức nhiệt độ trái đất tăng lên 2,6°C so với thời tiền công nghiệp hóa) trước cuối 2100 là điều rất có thể xảy ra. Tuy nhiên, đáng chú ý là mức tăng nhiệt độ dự báo sẽ cao hơn rất nhiều trên đất liền và đặc biệt tại các vùng dân cư đông đúc, với mức tăng trung bình là 4,3°C tại các “lục địa ở bán cầu bắc”, tập trung dân cư. Do đó, theo báo cáo của AIE, mức tăng nhiệt độ này sẽ dẫn đến nhiều hiện tượng khí hậu vô cùng khắc nghiệt, chẳng hạn những thành phố như Paris cứ hai năm sẽ phải chịu một đợt nóng khác thường.
Và Tổ chức Năng lượng Quốc tế đã đưa ra 5 biện pháp cụ thể nhằm mục tiêu giảm tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do ngành năng lượng tạo ra, bắt đầu từ năm 2020.
Các biện pháp mà Cơ quan Năng lượng Quốc AIE đưa ra như sau.
Thứ nhất, sử dụng hiệu quả hơn năng lượng trong công nghiệp, nhà ở và giao thông.
Thứ hai, sử dụng ít và cấm xây dựng mới các nhà máy chạy bằng than kém hiệu năng.
Thứ ba, tăng đầu tư cho năng lượng tái tạo.
Thứ tư, xóa bỏ trợ giá cho năng lượng hóa thạch trước 2030.
Thứ năm và là cuối cùng, giảm lượng khí methan trong ngành dầu khí.
Chính AIE cũng đánh giá, rằng các biện pháp này có thể được thực hiện với công nghệ hiện có, đồng thời không kìm hãm sự phát triển kinh tế. Theo dự báo của AIE, nếu thực thi 5 biện pháp trên, thì lượng khí thải CO2 từ các nhà máy phát điện sẽ có thể đạt đỉnh vào năm 2020, thay vì còn tiếp tục tăng ít nhất cho đến 2030, nếu căn cứ theo các cam kết hiện tại.
Hàng không phấn đấu tăng hiệu quả năng lượng 5 lần
Có thể dẫn ra một số thí dụ về các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành hàng không mà nhiều cơ quan thông tin đề cập tới.
Hãng Airbus cũng sẽ cho ra đời loại máy bay A320 mới với lượng tiêu thụ giảm 15%, so với thế hệ trước.
Tham gia vào cuộc chạy đua tiết kiệm năng lượng, còn có hãng Embraer của Brazil, tập đoàn đứng thứ ba thế giới trong lĩnh vực này, với mô hình E-Jet E2, có thể tiết kiệm đến 24%, kể từ năm 2018.
Sử dụng công nghệ lực đẩy điện: Giám đốc chiến lược của tập đoàn Airbus cho biết: việc máy bay sử dụng động cơ điện để cất cánh cũng cho phép tiết kiệm nhiều năng lượng.
Trung tâm nghiên cứu hàng không Amstrong thuộc NASA đang triển khai dự án LEAPTech với triển vọng mở ra kỉ nguyên mới trong công nghệ hàng không nhờ công nghệ lực đẩy điện. Các nhà nghiên cứu của trung tâm này đã tiến hành thử nghiệm áp dụng công nghệ lực đẩy điện vào việc thiết kế một cánh máy bay. Cụ thể, chiếc cánh máy bay đặc biệt này có sải cánh rộng 9,4 mét, gồm 18 động cơ điện dạng cánh quạt có chiều quay xuôi ngược xen kẽ nhau nhằm tạo ra lực đẩy mạnh hơn cho thân máy.
Rõ ràng, một chuyến bay hoàn hảo có thể rút bớt đến “30% năng lượng tiêu thụ, nhờ tối ưu hóa (trong các hoạt động trong) thời gian ở trên không và thời gian dưới đất”.
Sử dụng “năng lượng xanh”: Sử dụng dầu thực vật hay “năng lượng xanh” là một xu hướng rất quan trọng. Một số tập đoàn hàng không lớn đã bắt đầu sử dụng loại nhiên liệu này. Năm vừa qua, Boeing tuyên bố thực hiện chuyến bay đầu tiên, với 15% “diesel xanh”, với thành phần là dầu thực vật, dầu rán đã qua sử dụng hay thậm chí cả với mỡ động vật thải loại. Air France đã đưa vào sử dụng, kể từ tháng 10, trong tuyến bay hàng tuần Toulouse-Orly với 10% farnesan, một chế phẩm từ đường mía.
Dù sao, sử dụng dầu thực vật đang là xu hướng còn mới trong ngành hàng không. Hiện nay, vẫn phổ biến tình trạng chế tạo máy bay tiêu thụ ít xăng, và chuẩn bị chuyển sang dùng xăng dầu thực vật. AFP dẫn thông tin từ hãng Boeing, theo đó, mô hình phi cơ chở khách mới 737 MAX, sẽ đưa vào sử dụng năm tới, tiêu thụ từ 2,1 đến 2,4 lít xăng/100 km/hành khách, tức ít hơn 20% so với các mô hình của thế hệ 1990.
Đóng góp của bộ phận điều khiển không lưu: Để giảm bớt lượng khí thải, ngoài các biện pháp cải tiến công nghệ kỹ thuật trên đây, còn có một biện pháp khác nữa là sử dụng các công cụ kỹ thuật mới (như dự án NextGen của Hoa Kỳ hay Sesar của Châu Âu) cho phép thiết lập các lộ trình bay tối ưu để giảm bớt sự tiêu hao nhiên liệu.
Tóm lại, ngành hàng không đã có nhiều nổ lực, nhưng theo đánh giá của các nhà phân tích, các nỗ lực hiện tại vẫn chưa đủ. Cần phải có sự nỗ lực cao hơn rất nhiều mới có thể đạt mục tiêu giảm 50% lượng khí thải CO2 vào năm 2050, so với mức 2005, như Hiệp hội Hàng không Dân dụng Quốc tế (IATA) đề xuất.
Theo Vietnamnet