Thứ bảy, 23/11/2024 | 09:31 GMT+7
Hội nghị thượng đỉnh về Doanh nghiệp và Khí hậu có chủ đề “Cùng hành động để xây dựng một nền kinh tế tốt hơn” đã khai mạc chiều 20/5 tại Paris với sự có mặt của Tổng thống Pháp François Hollande cùng lãnh đạo nhiều nước và nhiều tổ chức quốc tế. Hơn 1.000 đại biểu đại diện cho các chính phủ, lãnh đạo các doanh nghiệp, các tập đoàn quốc tế đã tham dự hội nghị.
Diễn ra trong các ngày 20 và 21/5, hội nghị được kỳ vọng là sẽ đưa ra được các khuyến nghị nhằm giúp tăng cường đối thoại giữa các chính phủ và các doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan đến cắt giảm lượng khí thải CO2, tăng cường huy động tài chính từ các doanh nghiệp nhằm bổ sung cho đóng góp của các chính phủ để bảo vệ khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Đây là sự kiện trung tâm của Tuần lễ khí hậu Paris (từ 19-22/5) và là một hoạt động nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Biến đổi khí hậu Liên hợp quốc lần thứ 21 (COP 21) sẽ diễn ra vào tháng 12 tới tại Paris.
Số lượng đông đảo lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia hội nghị cho thấy doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn và chủ động hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Đây là một điểm mới và hết sức quan trọng, bởi vì cho đến nay, doanh nghiệp vẫn bị cho là đứng ngoài cuộc, chưa thực sự nỗ lực giải quyết các thách thức khí hậu. Việc hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ và các doanh nghiệp là điều cần thiết để tạo ra những khuôn khổ mới mà trong đó tất cả các chủ thể kinh tế có thể hoạt động hiệu quả.
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị, Tổng thống Pháp François Hollande đã cảm ơn các doanh nghiệp đã nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đưa ra vào tháng 9/2014 tại New York và tham gia tích cực vào việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp và Khí hậu lần này.
Tổng thống Hollande cho rằng mấu chốt của các hội nghị về khí hậu là tương lai của hành tinh chúng ta đang sống và điều này liên quan đến tất cả mọi người. Hội nghị COP 21 đặt ra mục tiêu là phải đạt được một thỏa thuận toàn cầu về khí hậu với sự đồng thuận của 196 nước nhằm giới hạn việc khí hậu nóng lên không quá 2oC từ nay đến năm 2100.
Theo ông Hollande, nếu COP 21 không đi đến được một thỏa thuận thì hành tinh Trái đất sẽ trở nên khó sống hơn, khắc nghiệt hơn đối với các cư dân, và các thách thức công nghiệp ngày càng khó vượt qua hơn. Nếu COP 21 đạt được một thỏa thuận, điều này sẽ dẫn đến một cuộc cách mạng trong phương thức sản xuất, phương thức vận tải, tiêu thụ, phát triển và trong cách sống.
Tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các doanh nghiệp trong việc xây dựng một nền kinh tế bền vững thông qua việc thực hiện các sáng kiến và các cam kết. Quá trình này sẽ đưa đến những thay đổi trong việc sử dụng năng lượng một cách hiệu quả, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, tổ chức các thành phố, tham gia vào việc làm thích ứng các quốc gia đang phát triển. Đây là một vấn đề vừa có tính sinh thái vừa có tính kinh tế, với triển vọng tăng trưởng xanh.
Theo ông, thỏa thuận khí hậu tại Paris sẽ là một khuôn khổ pháp lý có tính ràng buộc, phổ quát, có tính đến các yếu tố đặc thù của từng nước. Theo tinh thần đó, các nước sẽ phải có chiến lược đóng góp trung và dài hạn cho vấn đề cắt giảm khí thải CO2, các doanh nghiệp phải tham gia một cách có trách nhiệm vào việc huy động các đóng góp tài chính và thực hiện các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ năng lượng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Quan điểm của Tổng thống Hollande đã được lãnh đạo nhiều nước và nhiều tổ chức quốc tế chia sẻ. Các lãnh đạo này cũng cho rằng “sự chia sẻ quan điểm giữa các chính phủ và doanh nghiệp là cần thiết” liên quan đến các tiêu chuẩn về nhà máy, phương tiện giao thông như xe cộ, xây dựng và “các chính sách không thể thành công nếu không có sự tham gia của các doanh nghiệp”.
Theo TTXVN