Thứ sáu, 22/11/2024 | 23:11 GMT+7

ROSATOM sẵn sàng giúp Myanmar phát triển điện hạt nhân

10/05/2015

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga, ông Kirill Komarov khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Myanmar phát triển năng lượng hạt nhân.

Phát biểu tại Diễn đàn Công nghiệp Nguyên tử Nhật Bản, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM), ông Kirill Komarov khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Myanmar phát triển năng lượng hạt nhân.

Ông Kirill Komarov cho biết, các cuộc đàm phán đang được tiến hành tại Myanmar, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để cung cấp công nghệ hạt nhân tiên tiến cho quốc gia này.

“Đây là những cuộc đàm phán sơ bộ, nhưng cũng như các quốc gia khác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Myanmar quan tâm tới tăng cường năng lực sản xuất và có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân”, ông Kirill Komarov nói.

Malaysia là quốc gia thứ 2 mà ROSATOM quan tâm. “Nga đã sẵn sàng tham gia vào đấu thầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại nước này, nếu gói thầu được chào”, ông Kirill Komarov khẳng định.

Trước đó, tháng 3/2015, ông Nikolay Spassky Phó Tổng Giám đốc của ROSATOM đã tới thăm Myanmar.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Thông tin của Myanmar Ye Htut đã khẳng định, quốc gia này quan tâm tới hợp tác năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình với Nga.

Tháng 5/2007, chính phủ hai nước đã ký kết Thỏa thuận Hợp tác Liên Chính phủ để thiết lập Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân tại Myanmar. Theo đó, Trung tâm sẽ được trang bị một lò phản ứng nước nhẹ công suất 10 MW. Trung tâm cũng sẽ có phòng thí nghiệm sản xuất đồng vị phóng xạ y tế và một cơ sở xử lí và chôn rác thải hạt nhân. Thêm vào đó, các trường đại học của Nga sẽ đào tạo 300 - 350 chuyên gia cho trung tâm.

Tổng Giám đốc ROSATOM, Sergei Kiriyenko nhấn mạnh, Nga sẽ tiếp tục xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho các quốc gia khác dẫu Nga đang phải đối mặt với nhiều thử thách kinh tế. Thỏa thuận lớn gần đây nhất được ký kết vào 24/3 với Jordan trị giá 10 tỉ USD để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này.

Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, tới năm 2030, tổng mức năng lượng mà các nước ASEAN tiêu thụ sẽ tăng khoảng 75%. Nền kinh tế của khu vực sẽ tăng lên gấp 3 lần và sẽ gây ảnh hưởng tới cấu trúc tiêu thụ điện năng: ngành công nghiệp sẽ yêu cầu nguồn năng lượng ổn định với giá cả có thể dự báo trước, trong khi đó sự gia tăng dân số và thịnh vượng sẽ ảnh hưởng tới tiêu thụ điện năng của các hộ gia đình.

Hiện nay, chưa có nhà máy điện hạt nhân nào hoạt động tại ASEAN, nhưng các quốc gia trong khu vực đã tích cực cân nhắc phát triển chương trình hạt nhân quốc gia. Các quốc gia như Indonesia, Malaysia và Thái Lan đang quan tâm tới dự án của ROSATOM xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận tại Việt Nam, nơi mà một ngành công nghiệp hoàn toàn mới đang được tạo ra.

Hơn thế nữa, các nước ASEAN có thể quan tâm không chỉ tới các lò phản ứng VVER lớn và còn các lò phản ứng kích cỡ vừa và nhỏ có thể được sử dụng tại các nhà máy điện hạt nhân địa phương với công suất 100 - 400 MW. Bên cạnh năng lượng hạt nhân, các nước ASEAN có tiềm năng lớn trong triển khai các công nghệ phi điện hạt nhân trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp, an ninh, khử muối.

Theo Nangluongvietnam.vn