Thứ bảy, 23/11/2024 | 03:59 GMT+7

Nguồn năng lượng tiềm năng từ chất thải

06/05/2015

Chất thải được nhiều quốc gia coi là tài nguyên, là nguồn năng lượng thay thế. Với lượng chất thải hàng chục ngàn tấn mỗi ngày, nếu được xử lý đúng cách, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc phục hồi năng lượng từ chất thải.

Theo số liệu từ Tổng cục Môi trường, mỗi ngày có khoảng hơn 23 ngàn tấn chất thải sinh hoạt trên cả nước. Trong đó, tỷ lệ chất thải được xử lý thành phân compost chỉ chiếm khoảng 15%. Hầu hết lượng chất thải còn lại được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.  

Các chuyên gia môi trường nhận định, việc chôn lấp rác thải chỉ là giải pháp tạm thời vì hoạt động này gây ra một số vấn đề về môi trường. Cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ cũng chỉ ra rằng, nếu không được thu giữ, lượng khí mê tan phát thải từ các bãi chôn lấp sẽ trở thành khí nhà kính, nhiều gấp 20 lượng khí CO2.

Nhiều năm trở lại đây, năng lượng từ chất thải đã được công nhận. Chất thải được nhiều quốc gia coi là tài nguyên, là nguồn năng lượng thay thế. Với lượng chất thải hàng chục ngàn tấn mỗi ngày, nếu được xử lý đúng cách, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc phục hồi năng lượng từ chất thải.

Khai thác năng lượng từ chất thải có thể thực hiện bằng nhiều biện pháp như chuyển đổi vật liệu phế thải không thể tái chế thành nhiệt thông qua quá trình đốt, khí hóa, phân hủy yếm khí và thu hồi khí bãi rác. Nguồn năng lượng thu được từ quy trình này có thể được sử dụng trực tiếp làm nhiên liệu nấu ăn, sưởi ấm, hoặc dùng để đốt lò hơi chạy tua bin phát điện.

Tại nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Myanmar, Singapore, Nhật Bản xử lý chất thải là một ngành công nghiệp phát triển, mang lại nhiều lợi nhuận. Ngành này không chỉ tạo ra nguyên liệu để sản xuất điện năng, mà còn tiết kiệm nhiều tài nguyên thông qua việc tái chế giấy, kim loại, nhựa…

Tại Việt Nam, thu hồi năng lượng từ chất thải vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do các chất thải chưa được phân loại, gây khó khăn cho việc xử lý. Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải (bao gồm chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, sản phẩm thải lỏng, nước thải, khí thải công nghiệp và các chất thải đặc thù khác; bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu).

Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 15/6/2015 tới đây. Nghị định chỉ rõ rằng các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất thải và phế liệu nhập khẩu trên lãnh thổ Việt Nam phải có trách nhiệm phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất thải và phế liệu nhập khẩu phải tăng cường áp dụng các biện pháp về tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn.

Khai thác năng lượng từ rác thải là giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và môi trường, đồng thời còn có giá trị bảo tồn năng lượng, tạo ra nguồn năng lượng bền vững.

Mai Lan