Thứ sáu, 22/11/2024 | 17:06 GMT+7
Ngày 14-4-2015, Văn phòng UBND TP HCM cho biết UBND TP HCM đã giao Trung tâm tiết kiệm năng lượng (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM) phối hợp với Tổng Công ty Điện lực TP bắt đầu tổ chức tuyên truyền về các chính sách nhà nước đối với sản xuất điện từ phương pháp đốt rác thải.
Đồng thời Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP HCM cũng được giao sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu dự án xây dựng nhà máy xử lý phát điện từ đốt rác thải công nghệ Stoker - Hàn Quốc với công suất 1.000 tấn rác/ngày. Công nghệ đốt Stoker của Hàn Quốc là công nghệ lò đốt dạng vỉ, đốt cả rác cao su, da, nhựa, vải, bã giấy, rác thải y tế, rác sinh hoạt đã phân hủy.
Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP HCM, tập đoàn Hansol (Hàn Quốc) đề xuất được bỏ ra 80% vốn để triển khai dự án nói trên theo hình thức BOT (nhà đầu tư quản lý vận hành nhà máy trong 20 năm) và đề nghị TP HCM bỏ 20% vốn đối ứng cho dự án. Cho đến nay TPHCM vẫn chưa có dự án nhà máy đốt rác phát điện nào triển khai, chỉ có bãi rác Gò Cát và Đa Phước là có hạng mục sản xuất điện từ khí phát sinh từ bãi rác.
Hiện nay mỗi ngày TP HCM thải ra khoảng 7.500 tấn rác, trong đó rác hữu cơ chiếm gần 82%, còn lại là rác vô cơ, tỷ lệ gia tăng rác thải hàng năm khoảng 8%.
Trên phạm vi rộng hơn, hiện cả nước mỗi ngày thải ra khoảng 23.000 tấn rác sinh hoạt đô thị. Tiềm năng thu hồi năng lượng từ nguồn rác thải là rất lớn nhưng đến nay tiềm năng này vẫn bị lãng phí vì vẫn còn 85% lượng rác được xử lý theo kiểu chôn lấp.
Hiện nay chỉ có Đà Nẵng và TP HCM là hai thành phố đang nghiên cứu phương án đốt rác phát điện.
Theo Quyết định 31/2014/QĐ-TTg năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn, ngành điện sẽ có trách nhiệm ký hợp đồng mua điện liên tục trong 20 năm đối với các dự án đốt rác phát điện với giá mua điện là 2,114 đồng/kWh.
Chánh Trung