Thứ ba, 24/12/2024 | 08:36 GMT+7

Công trình xanh: Đầu tư lớn ban đầu, thu hiệu quả dài lâu

16/09/2014

Theo ông Nguyễn Minh Thông, Đại diện tổ chức Fairventures Worldwide (CHLB Đức), phát triển công trình xanh tại Việt Nam vẫn còn tương đối chậm so với các nước trên thế giới. Những lầm tưởng về khái niệm công trình xanh cùng chi phí xây dựng đang là những rào cản cho việc phát triển các công trình này tại Việt Nam.

Lo ngại về chí phí

Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, tỷ lệ đô thị hóa ở nước ta năm 2013 ở mức 33,47%. Các chuyên gia nhận định, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, chất lượng cuộc sống tăng cao là nguyên nhân khiến nhu cầu sử dụng năng lượng trong nước đang ngày càng gia tăng. Điều này cũng đặt Việt Nam đứng trước thách thức về thiếu hụt năng lượng trong tương lai.

Thống kê của Ngân hàng Thế Giới (WB) chỉ ra rằng, ngành xây dựng của Việt Nam đang tiêu thụ 36% tổng năng lượng trong cả nước. Hơn bao giờ hết, việc thúc đẩy phát triển các công trình xanh đóng vai trò quan trọng trong thực hiện tiết kiệm năng lượng.

Theo ông Nguyễn Minh Thông, Đại diện tổ chức  Fairventures Worldwide (CHLB Đức), phát triển công trình xanh tại Việt Nam vẫn còn tương đối chậm so với các nước trên thế giới. Những lầm tưởng về khái niệm công trình xanh cùng chi phí xây dựng đang là những rào cản cho việc phát triển các công trình này tại Việt Nam.

74b3a3c21_img_8470.jpg

Ông Nguyễn Minh Thông, Đại diện tổ chức  Fairventures Worldwide (CHLB Đức)

Theo đó, công trình xanh là những công trình đạt được hiệu quả trong sử dụng năng lượng và vật liệu, nhằm giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường. Nhiều nhà đầu tư lo ngại các khoản chi phí đầu tư để đạt được hiệu quả trong việc sử dụng năng lượng sẽ khiến cho chi phí xây dựng công trình tăng cao, giảm tính cạnh tranh. Đây là nguyên nhân khiến nhiều chủ công trình dè dặt khi quyết định có nên xây dựng công trình theo hướng “xanh” hay không.

Thực tế, không chỉ riêng Việt Nam phải đối mặt với nhưng khó khăn trên. Theo ông Poul Kristensen - một chuyên gia công trình xanh đến từ Đan Mạch, quốc gia Bắc Âu này cũng trải qua những khó khăn tương tự.

Ông Poul cho biết, Đan Mạch đã triển khai và áp dụng các tiêu chuẩn bắt buộc về hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà từ 20 năm trước. Khi ấy, các nhà đầu tư và chủ xây dựng cũng không chấp nhận hoàn toàn, vì cho rằng chi phí xây dựng các công trình xanh rất tốn kém. Tuy nhiên, cho đến nay, lợi ích mà các công trình xanh mang lại đã làm thay đổi nhận thức của những người dân nước này.

Đầu tư lớn ban đầu, thu hiệu quả dài lâu

Trước đó, Hội thảo “Xóa bỏ ngộ nhận về chi phí của Công trình xanh” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tháng 5 vừa qua đã chỉ ra rằng, chi phí phụ trội cho công trình xanh chỉ cao hơn các công trình thông thường từ 0,5- 2,2%. Đây là số liệu được thu thập thông qua các công cụ đánh giá công trình xanh được công nhận trên thế giới.

Theo đánh giá của Tunner- Tập đoàn được xếp hạng là nhà thầu công trình xanh số 1 tại Mỹ, các công trình xanh có thể tiết kiệm được từ 14-60% năng lượng. Với chi phí năng lượng tiết kiệm được, các công trình có thể sớm thu hồi được vốn đầu tư.

Một ví dụ điển hình là Nhà trẻ Pouchen dành cho 500 trẻ em tại Đồng Nai. Công trình đã đạt chứng chỉ LOTUS (tiêu chí đánh giá công trình xanh bởi Hội đồng công trình xanh Việt Nam). Với mức chi phí phụ trội cho việc xây dựng từ 1,8-2%, mỗi năm nhà trẻ Pouchen tiết kiệm được khoảng 240 triệu đồng chi phí năng lượng, khoảng 100 triệu đồng tiền nước. Như vậy, với khoản tiền tiết kiệm được, chỉ mất 2,5 năm là chủ đầu tư có thể thu hồi chi phí phụ trội.

fcca32927_vuonmaigreenmore8.jpg

Nhà trẻ Pouchen tại Đồng Nai đạt chứng chỉ LOTUS của Hội đồng công trình xanh Việt Nam

Với các công trình xanh, số vốn bỏ ra ban đầu có thể lớn, nhưng theo thời gian, các chi phí như bảo dưỡng, khấu hao, nhân công sẽ giảm dần. Ngược lại, với những công trình thông thường, các khoản chi phí này sẽ tăng lên theo từng năm. Nhiều chủ đầu tư mới chỉ nhìn thấy phần nổi của các công trình xanh là chi phí đầu tư lớn, mà chưa thấy được hiệu quả lâu dài mà các công trình này mang lại. Do đó, khi xây dựng các công trình xanh, chủ đầu tư cần tính đến hiệu quả mà tòa nhà mang lại trong suốt vòng đời của nó.

Có thể thấy, với những hiệu quả nêu trên, đầu tư xây dựng một công trình xanh không hề tốn kém như nhiều người vẫn lầm tưởng. Hiệu quả mà các công trình này mang lại là lâu dài và bền vững. 

Mai Lan