Thứ bảy, 23/11/2024 | 08:38 GMT+7
Với
địa hình đồng bằng và điều kiện tự nhiên phong phú về đất đai, biển, đầm...
cũng như điều kiện khí tượng thủy văn thuận lợi, chăn nuôi quy mô lớn, xã Nam
Cường (huyện Tiền Hải, Thái Bình) là nơi có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Năm 2012, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Trung tâm
Phát triển sáng tạo xanh đã tiến hành khảo sát tình hình kinh tế - xã hội và
trình các cấp phê duyệt Dự án “Quy hoạch năng lượng cấp địa phương tại xã”.
Xác định đây là dự án mới, để triển khai có hiệu quả Ban quản lý Dự án đã thành lập nhóm Năng lượng địa phương (LEP) với thành viên gồm: đại diện lãnh đạo xã, cán bộ thôn, thợ điện xã, các tổ chức chính trị, đại diện người dân có uy tín tại cộng đồng, có tâm huyết, trình độ tình nguyện tham gia.
Dàn pin năng lượng mặt trời trên nóc UBND xã góp phần giảm đáng kể nguồn điện tiêu thụ
Các thành viên được tập huấn kiến thức, đào tạo kỹ năng để nhận thức đầy đủ về năng lượng cũng như hiện trạng của địa phương giúp cho việc điều tra tình hình thu thập, sử dụng năng lượng sát với thực tế. Bên cạnh đó, UBND xã luôn chủ động phối hợp với các đơn vị dự án và các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của việc sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên, từ đó góp phần thay đổi nhận thức của nhân dân trong xã. Việc quy hoạch nguồn năng lượng địa phương bước đầu mang lại những kết quả tích cực.
Toàn xã có khoảng 51% gia đình chăn nuôi lợn và 47% hộ có tiềm năng để sản xuất biogas, khả năng cung cấp năng lượng cho toàn xã từ nguồn năng lượng này chiếm khoảng 37%. Do vậy, xã đã triển khai mô hình biogas cộng đồng dẫn khí ga từ trang trại chăn nuôi quy mô lớn về cho 70 hộ dân dùng đun nấu hàng ngày. Việc triển khai mô hình ngoài việc tận dụng nguồn chất thải để thay thế chất đốt còn góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.
Một hầm biogas của người dân trong xã
Cùng với việc tận dụng chất thải từ chăn nuôi, xã tiếp tục triển khai mô hình biogas dùng phế thải từ trường mầm non dùng cho đun nấu góp phần giảm chi phí mua nhiên liệu. Ngoài ra, xã còn triển khai mô hình sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời cho trường mầm non, tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả kinh tế.
Từ một vài mô hình được triển khai mang lại hiệu quả kinh tế cao, UBND xã tiếp tục triển khai các mô hình mà xã có nguồn năng lượng tái tạo sẵn có: mô hình biogas hộ chăn nuôi gia trại giảm ô nhiễm môi trường, dịch bệnh; mô hình dùng pin năng lượng mặt trời có khả năng tích điện để sử dụng cho các hộ canh coi ngoài đầm nuôi tôm, ngao; lắp đặt trạm pin năng lượng mặt trời cho trạm nước lọc tinh khiết RO cấp cho toàn dân trong xã dùng, sử dụng bóng đèn LED thay thế bóng đèn sợi đốt. Ðặc biệt, mô hình sử dụng giàn pin năng lượng mặt trời để thay thế điện năng hàng tháng tiết kiệm cho UBND xã 200.000 đồng.
Bình nước nóng năng lượng mặt trời trên nóc một nhà trẻ của xã
Ðến nay toàn xã có trên 50% hộ gia đình sử dụng nguồn năng lượng tái tạo phục vụ cho cuộc sống. Ông Hoàng Ngọc Sang, Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết: Từ khi thực hiện Dự án đến nay, người dân rất phấn khởi vì tận dụng được nguồn năng lượng sẵn có tại địa phương góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho mỗi gia đình, sức khỏe của nhân dân được nâng lên, vấn đề vệ sinh môi trường, nhất là nguồn nước được cải thiện.
Với những hiệu quả ban đầu từ Dự án “Quy hoạch
năng lượng cấp địa phương” tại Nam Cường, hy vọng trong thời gian tới, dự án sẽ
được nhân rộng tại các địa phương nhằm tận dụng rác thải nông nghiệp và công
nghiệp thành nguồn năng lượng sẵn có góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của
người dân.
Theo Baothaibinh.com.vn