Thứ bảy, 23/11/2024 | 05:28 GMT+7
Không được đào tạo bài
bản, chỉ bằng sự mày mò của bản thân và tinh thần “sử dụng tiết kiệm”, nhiều
người lao động đã sáng tạo ra những thiết bị tiết kiệm năng lượng hữu ích cho
cuộc sống.
Hệ thống tưới nước tự
động
Sau nhiều năm tưới nước
cho hàng ngàn hecta hạt tiêu bằng phương pháp thủ công, ông Nguyễn Bá Thịnh
(Lộc Ninh, Bình Phước) nhận thấy phương pháp này vừa tốn công lại rất lãng phí.
Nước tưới được phun tràn lan, không thẩm thấu chính xác vào gốc cây, gây lãng
phí nguồn nước, công tưới và lượng điện chạy máy bơm.
Để khắc phục tình trạng
trên, ông Thịnh đã nghiên cứu và chế tạo ra hệ thống tưới nước tự động. Hệ
thống này dẫn nước trực tiếp đến các gốc cây. Nước được tưới với số lượng ít
theo kiểu thẩm thấu, hạn chế tối đa tình trạng vương vãi và bốc hơi.
Ông Thịnh và hệ thống tưới nước tự động tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước năm 2013
Trong hệ thống này, ông
Thịnh còn tích hợp thêm tính năng bón phân hóa học và phun thuốc bảo vệ thực
vật tự động. Theo ông, các chất này theo đường nước đẩy đến từng gốc tiêu, hạn
chế phát tán chất độc hại ra môi trường, cũng như gây ảnh hưởng đến sức khỏe
người nông dân.
Chi phí đầu tư cho hệ
thống tưới nước tự động này là 40 triệu đồng/ha. Song, theo tính toán của ông
Thịnh, chỉ hơn 2 năm là người nông dân có thể thu hồi vốn. Bởi, nhờ hệ thống
này, mỗi năm 1 hecta cây trồng tiết kiệm được 10 triệu đồng tiền công tưới và 6
triệu đồng tiền điện bơm nước.
Đèn siêu tiết kiệm “3
trong 1”
Đèn siêu tiết kiệm “3
trong 1” là sáng chế của anh Thái Sinh Hòa, ông chủ một quán cơm tại TP. Đà
Lạt, Lâm Đồng. Anh Hòa nảy ra ý tưởng chế tạo chiếc đèn này khi thành phố
thường xuyên cắt điện khiến gia đình anh phải sử dụng đèn sạc điện để thắp
sáng. Tuy nhiên, đèn sạc rất tốn điện và chỉ chiếu sáng được khoảng không gian nhỏ, không đủ
phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, nhất là ở quán ăn.
Chiếc đèn tiết kiệm điện "3 trong 1" do anh Hòa sáng tạo
Từ đó, anh Hòa nảy ra ý
nghĩ phải sáng chế một chiếc đèn chạy bằng ắc quy có thể gắn lên trần nhà. Anh
liền thiết kế một bộ đèn gồm 20 bóng đèn led loại nhỏ, công suất chỉ bằng 1W.
Chóa của đèn là loại gương phản quang phổ kích thước 20x30 cm.
Bộ đèn này được lắp vào một bình ắc quy 12V đã qua sử dụng, đủ cung cấp ánh sáng phục vụ cho một bàn ăn.Thấy hiệu quả mà tốn ít điện, anh Hòa liền tiếp tục phát triển thêm 8 bộ bóng lắp cho quán cơm. Như vậy với một bình ắc – quy 12V sau một lần sạc sẽ thắp sáng cho 8 bộ bóng đèn, chiếu sáng căn hộ 80 m2 trong 4 đêm.
Bộ đèn của anh Hòa có ba ưu điểm nổi bật là rẻ, siêu tiết kiệm
điện và bền, nên được gọi là đèn “3 trong 1”. Anh Hòa cũng cho biết bộ
đèn do anh chế tạo có thể cắm trực tiếp vào bình ắc quy xe máy, thắp sáng suốt
đêm cho gia đình mà tốn rất ít điện, không ảnh hưởng đến tuổi thọ của bình.
Người đàn ông này chia sẻ “Tiết kiệm một ký điện cũng đỡ gánh nặng
cho quốc gia”. Anh sẵn sàng giúp cho tất cả các bà con có nhu cầu sử dụng bóng
đèn tiết kiệm điện mà không lấy tiền công.
Chảo
thu năng lượng mặt trời
Nhằm
tận thu năng lượng mặt trời, anh Đoàn Phú Cường, công nhân bậc 7/7 hiện đang
công tác tại Điện lực Trung Tâm (Công ty Điện lực Bình Dương ) đã chế tạo ra
chiếc chảo thu năng lượng mặt trời.
Để
làm ra chảo thu năng lượng mặt trời này, anh Cường đã ứng dụng phương pháp cơ
khí chế tạo kết hợp kỹ thuật điều khiển PLC, bộ quay theo hướng mặt trời…; sử
dụng vật liệu composite, decal màng bạc dán để có hiệu suất hấp thu năng lượng
cao nhất.
Chảo
thu của anh Cường ông được vận hành bởi bộ điều khiển tự động và điều khiển
bằng tay, tự động quay sau khi vận hành; nắng ở chỗ nào, chảo sẽ tự động quay
theo hướng đó. Hơn nữa, chảo này có ưu điểm "vượt trội" hơn so với
các loại chảo parabol khác ở chỗ người sử dụng không phải đứng ngoài nắng để
nấu nướng trong lòng chảo. Nhờ vậy, trong khi sử dụng, không phải tiếp xúc trực
tiếp với lượng ánh sáng mặt trời (gần 200 độ C).
Anh Cường bên chiếc chảo thu năng lượng mặt trời tự chế
Sau
9 tháng sử dụng chảo năng lượng mặt trời, gia đình anh Cường giảm được 757 kWh
điện, tương đương với khoảng 2 triệu đồng tiền điện. Anh Cường cho biết, trong
thời gian tới, sẽ tiếp tục nghiên cứu khai thác tối đa nguồn năng lượng từ chảo
thu NLMT để tạo ra nguồn điện năng thắp sáng trong nhà.
Hơn
23 năm gắn bó với ngành Điện, hiểu rõ tầm quan trọng của nguồn điện năng và
những giải pháp tiết kiệm điện, tuy không qua đào tạo bài bản về cơ khí, kỹ
thuật nhưng anh Cường đã thực hiện sáng chế bằng niềm đam mê và cần mẫn tìm
tòi. “Theo tôi, khi chúng ta có những tâm huyết, hoài bão lớn lao trong việc
sáng tạo thì việc biến những sáng tạo đó thành một sản phẩm có ích cho xã hội
là điều rất cần thiết”, anh Cường chia sẻ.
Mai Lan