Thứ sáu, 26/04/2024 | 02:21 GMT+7

Biogas- Nguồn năng lượng sạch còn bị bỏ ngỏ

06/06/2014

Khoảng 85% chất thải của gia súc, gia cầm trong chăn nuôi được xả trực tiếp ra kênh mương, ao hồ. Chỉ một lượng nhỏ được sử dụng làm phân bón cho cây trồng, chăn nuôi cá hoặc tập trung vào những bể chứa biogas để lấy khí đốt.

Một thực tế tồn tại trong ngành nông nghiệp nước ta đó là chưa  tận dụng được phế phẩm nông nghiệp. Các loại phế thải như rơm, rạ, vỏ trấu, bã mía thường được xử lý bằng cách đơn giản như làm chất đốt trong sinh hoạt. Cách làm này vừa gây ô nhiễm môi trường vừa thất thoát một nguồn nhiệt năng lớn.

Trong khi đó trong lĩnh vực chăn nuôi, khoảng 85% chất thải của gia súc, gia cầm được xả trực tiếp ra kênh mương, ao hồ. Chỉ một lượng nhỏ được sử dụng làm phân bón cho cây trồng, chăn nuôi cá hoặc tập trung vào những bể chứa biogas để lấy khí đốt.

Công nghệ khí sinh học không phải là một công nghệ mới ở Việt Nam. Nó đã được đưa vào nghiên cứu và ứng dụng ở nước ta từ những năm 1960. Tuy nhiên, chỉ  khoảng 15% số hộ chăn nuôi xây dựng các hầm biogas xử lý chất thải để tận dụng nguồn khí sinh học này. Trong đó, nhiều hầm hoạt động chưa hiệu quả, nhiều hầm khác lại không thể duy trì do các chủ hộ đã không còn tiếp tục chăn nuôi.

4ba6939db_xay_ham_biogas.jpg

Một hầm biogas đang đươc xây dựng

Không thể phủ nhận rằng, biogas là mô hình mang lại lợi ích kép, vừa giúp thúc đẩy chăn nuôi, lại vừa tạo ra nguồn năng lượng dồi dào phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Một hộ gia đình chỉ cần nuôi vài con heo thịt cũng có đủ lượng khí nhiên liệu dùng để nấu nướng hoặc thắp sáng. Với những gia đình có quy mô chăn nuôi lớn, lượng khí sinh học dư thừa khả năng đáp ứng cho mọi nhu cầu sinh hoạt. Biogas có thể thay thế hoàn toàn khí gas, củi, dầu trong đun nấu và giảm đáng kể lượng điện tiêu thụ, qua đó giúp các hộ dân tiết kiệm  năng lượng và túi tiền. Ngoài ra, người dân cũng không còn phải chung sống với môi trường ô nhiễm, nồng mặc mùi xú uế, vừa đảm bảo được sức khỏe vừa giảm được tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn.

Tùy theo quy mô của mỗi hộ chăn nuôi mà có thể chọn hầm chứa với những diện tích khác nhau. Bể chứa có thể xây bằng gạch hoặc chọn loại đúc sẵn bằng vật liệu composite. Mặc dù mang lại nhiều lợi ích như vậy, nhưng số lượng hầm biogas ở nước ta vẫn được đánh giá là còn thấp. Nguyên nhân của tình trạng này ngoài việc chi phí xây dựng những hầm biogas khá cao, thì chính quyền các địa phương cũng chưa có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trong việc xây hầm chứa. 

bd6edba2e_bep_biogas.jpg

Biogas mới chỉ được sử dụng chủ yếu vào việc đun nấu

Đối với những doanh nghiệp sản xuất lớn, việc sử dụng khí biogas cũng vẫn chỉ dừng ở mức chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện trên cả nước mới chỉ có vài doanh nghiệp sử dụng khí sinh học làm nguồn năng lượng phục vụ cho sản xuất như Công ty mía đường Tuy Hòa (Phú Yên) dùng khí biogas lò đốt hơi thay thế cho dầu FO hay Nhà máy tinh bột  Sơn Hải (Quảng Ngãi) với dự án tận dụng khí biogas trong sản xuất… Lý do là bởi các công trình sử dụng khí sinh học cần vốn đầu tư lớn và thời gian hoàn vốn khá lâu, khiến nhiều doanh nghiệp còn ngại triển khai.

Trong tương lai, nếu Chính phủ có nhiều hơn nữa những chính sách hỗ trợ cho người nông dân và doanh nghiệp trong việc xây dựng các hầm chứa khí sinh học, thì nguồn năng lượng vẫn còn bỏ ngỏ này sẽ được sử dụng rộng rãi và triệt để hơn. Nó không chỉ giúp người dân tiết kiệm tiền từ việc tiết kiệm năng lượng, mà còn giúp quốc gia giảm bớt gánh nặng từ nhu cầu sử dụng nguyên liệu hóa thạch đang cạn kiệt và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường.

Hải Yến