Thứ bảy, 23/11/2024 | 18:12 GMT+7

Hội thảo chuyên đề phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam

05/05/2014

Sáng ngày 18/4, hội thảo chuyên đề về Công nghệ mặt trời đã được tổ chức tại TP. HCM.

Sáng ngày 18/4, hội thảo chuyên đề về Công nghệ mặt trời đã được tổ chức tại TP. HCM. Đây là hội thảo kết nối và chuyển giao công nghệ năng lượng mặt trời nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Sở KH&CN TP. HCM – Việt Nam và Sở KH&CN thành phố Quảng Tây – Trung Quốc.

Tại hội thảo, các chuyên gia về năng lượng lượng mặt trời của hai nước đã trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời và triển khai nhiệm vụ kết nối chuyển giao công nghệ giữa hai thành phố.

654c5df02_hoi_thao.jpg

Hội thảo chuyên để về Công nghệ mặt trời tại TP. Hồ Chí Minh

Trong khuôn khổ hoạt động tại hội thảo, các xu hướng phát triển công nghệ năng lượng mặt trời tại Trung Quốc và Việt Nam đã được giới thiệu. Qua đó, hai bên cũng giới thiệu các chính sách hỗ trợ của nhà nước trong việc đưa công nghệ năng lượng mặt trời vào trong ứng dụng thực tế. Đặc biệt, hội thảo có sự tham dự của các đại diện doanh nghiệp Việt Nam và 26 doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, nhờ đó mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ trao đổi thông tin trực tiếp, thiết lập quan hệ, trao đổi về khả năng hợp tác liên doanh, làm đại diện, hợp tác thương mại và đầu tư với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Phát biểu tại hội thảo, ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. HCM (ECC HCMC) cho biết Việt Nam với nguồn năng lượng mặt trời dồi dào (trung bình từ 1700-2500 giờ nắng trong năm), đặc biệt tại khu vực miền Trung – Tây nguyên và Nam bộ, sẽ là tiềm năng lớn cho việc sản xuất điện mặt trời cũng như tận dụng nguồn bức xạ nhiệt cho máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời.

Theo thông tin từ ECC HCMC, nhằm gia tăng nhận thức người dân về việc sự dụng nguồn năng lượng mặt trời, từ năm 2008, ECC HCMC đã triển khai Chương trình “Hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng máy NNNLMT”. Từ 2009, ECC HCMC tiếp tục hợp tác với EVNHCM triển khai Chương trình và thực hiện công tác truyền thông khuyến khích người tiêu dùng và các tòa nhà sử dụng hệ thống máy NNNLMT. Năm 2012, dự án CDM máy nước nóng năng lượng mặt trời của ECC HCMC đã được tổ chức UNFCCC phê duyệt và cấp chứng chỉ CER.

Năm 2009, nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời đầu tiên tại Việt Nam do ECC HCMC hợp tác cùng công ty Tân Kỷ Nguyên thành lập đã được khánh thành tại Long An. Đây là một dự án thu hút được sự quan tâm của nhiều các nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cho đến nay, sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời của nhà máy này phần lớn được xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ… 

Cũng theo ông Huỳnh Kim Tước, do gặp khó khăn về thị trường và công nghệ sản xuất mà nhiều dự án xây nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời như dự án tại khu công nghiệp Đông Nam, TP. HCM do tập đoàn Mỹ First Solar đầu tư hay dự án tại khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) do công ty công nghiệp năng lượng Đông Dương đầu tư đã triển khai đều bị trì hoãn. Chính vì thế, việc chuyển giao và ứng dụng dây chuyền công nghệ trong việc sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời và các thiết bị phụ trợ từ các quốc gia phát triển cũng như sự hỗ trợ đầu tư của Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam.

Theo ECC- HCMC