Đầu quý 4-2013, hai doanh nghiệp trong nước cùng một đối tác nước ngoài khởi nguồn tạo ra dự án lần đầu xuất hiện ở Việt Nam: xây dựng nhiệt điện bằng nguyên liệu trấu. Dự án này là sản phẩm của sự liên kết "bộ ba” bao gồm Công ty cổ phần Nhà máy điện Hậu Giang, Công ty tư vấn Xây dựng điện 2, Công ty C.H.E ( Malaysia ).
Với công suất 10 MW, tổng vốn đầu tư hơn 30 triệu USD, dự án nhà máy nhiệt điện đốt bằng trấu được xây dựng tại thị trấn Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang). Ngân hàng Eximbank và Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) cùng tham gia đầu tư nguồn vốn. Theo dự kiến dự án sẽ được thi công trong 2 năm, phấn đấu đến cuối 2015 đưa vào hoạt động.
Tổng quy hoạch phát triển ngành điện cho những năm tiếp theo gồm nhiều loại hình, trong đó có 20 nhà máy nhiệt điện đốt bằng trấu với tổng công suất lên đến 200 MW. Căn cứ nguồn nguyên liệu đầu vào, các nhà máy nhiệt điện bằng trấu tập trung xây dựng tại "vựa lúa” khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Sau nhà máy nhiệt điện bằng trấu ở Hậu Giang, tiếp theo sẽ lần lượt khởi công các dự án đã được phê duyệt tại các địa phương giàu nguyên liệu trấu như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ...
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước, không chỉ đáp ứng tiêu dùng nội địa mà còn cung cấp hàng triệu tấn gạo xuất khẩu mỗi năm (chiếm tỉ trọng hơn 90% trong tổng sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước). Sau khi xay xát, nguyên liệu trấu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khối lượng cực lớn, ít được sử dụng, thậm chí trở thành tác nhân gây ra ô nhiễm môi trường. Nhiều năm trước đây, để tận dụng nguồn nguyên liệu có giá trị này, nhiều người đưa ra sáng kiến bảo đảm tính khả thi như chế biến than từ trấu, đốt trấu tạo ra điện… Tuy vậy thời gian "ngâm cứu” kéo dài quá lâu, gần đây mới triển khai thực hiện dự án nhiệt điện đốt bằng trấu. Theo kế hoạch đã được phê duyệt, từ cuối 2013 cho đến các năm tiếp theo, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ "mọc” lên 20 nhà máy nhiệt điện đốt bằng trấu (bình quân mỗi nhà máy có công suất 10 MW).
Nhiệt điện đốt bằng trấu không chỉ gia tăng nguồn điện phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh mà còn góp phần nâng cao giá trị cây lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài giá trị truyền thống vốn có từ hàng ngàn năm, sau khi có thêm dự án đặc biệt này, vỏ trấu cũng như cây lúa còn có thêm tác dụng tạo nguyên liệu phát sinh nguồn điện. Hoàn toàn khác biệt với thủy điện, nhiệt điện bằng trấu tạo hiệu quả thiết thực, không gây ra "phản ứng phụ” tai họa như thủy điện. Nên rất cần nhân rộng, triển khai.
Theo Báo Đại đoàn kết