Thứ tư, 25/12/2024 | 12:07 GMT+7

IAEA: Nhu cầu điện hạt nhân khu vực châu Á tiếp tục tăng cao

30/09/2013

Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), công suất phát điện hạt nhân trên thế giới vẫn tiếp tục phát triển vào giai đoạn 2030-2050.

Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), công suất phát điện hạt nhân trên thế giới vẫn tiếp tục phát triển vào giai đoạn 2030-2050. Khu vực châu Á, trong đó, Trung Quốc và Hàn Quốc là những quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất. Khả năng sản xuất năng lượng điện hạt nhân tại khu vực này có thể tăng từ 2-5 lần, đạt hơn 400 GW vào năm 2050, so với mức 83 GW cuối năm 2012. 
e49e26845_dubao.jpg

Theo IAEA, công suất phát điện hạt nhân trên thế giới vẫn tiếp tục phát triển vào giai đoạn 2030-2050. Khu vực châu Á, trong đó, Trung Quốc và Hàn Quốc là những quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất.
Khu vực Đông Âu, trong đó có Nga, cũng như Trung Đông và Nam Á gồm Ấn Độ và Pakistan, cũng cho thấy tiềm năng tăng trưởng điện hạt nhân khá mạnh mẽ. Dự báo năng lực điện hạt nhân sẽ phát triển từ 48 GW vào năm 2012, lên 79 GW và 124 GW trong giai đoạn từ 2030 -2050.

Trong khi đó, dự báo cho khu vực Tây Âu lại cho thấy sự khác biệt. Kể cả trong kịch bản lạc quan thì các nhà máy điện nguyên tử tại đây cũng chỉ giúp tăng nhẹ sản lượng của khu vực này từ 114 lên 137 GW trong giai đoạn trên, còn với kịch bản bi quan, sản lượng sẽ bị thu hẹp xuống còn có 33 GW, chỉ còn chiếm 2% tổng sản lượng điện trong cả châu lục.

Ngược lại tại khu vực Bắc Mỹ, khả năng tốc độ tăng trưởng còn giảm từ mức 116 GW của cuối năm 2012 xuống còn 101 GW vào năm 2030.

Theo số liệu của IAEA, năm ngoái, các nhà máy điện hạt nhân sản xuất ra 373 GW tương đương 7% trong tổng sản lượng 5,3 nghìn GW điện toàn thế giới. Tuy nhiên con số này sẽ dần bị thu nhỏ. Lý do theo các chuyên gia IAEA là giá khí đốt rẻ cũng như xu hướng nhân rộng các nguồn năng lượng tái tạo tại các nước phát triển đã thu hẹp tiêu thụ điện.

Mỗi năm, IAEA luôn đưa ra các kịch bản ở mức độ thấp, cao cho công suất phát điện năng lượng hạt nhân toàn cầu. Theo kịch bản thấp của năm nay, tốc độ tăng trưởng điện hạt nhân sẽ tăng khoảng 17% trong tổng công suất điện hạt nhân trên thế giới vào năm 2030. Trong khi đó, ở kịch bản khác lại cho thấy tốc độ tăng trưởng ở mức 94%, tức là gần gấp đôi trong công suất phát điện toàn cầu. Nói cách khác, sự phát triển năng lượng hạt nhân sau tai nạn hạt nhân Fukushima Daiichi dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng cao, tuy nhiên tốc độ sẽ thấp hơn so với ước tính trước khi xảy ra tai nạn.

IAEA cũng cho biết, thời gian qua, hầu hết các quốc gia đã hoàn tất việc đánh giá mức độ an toàn hạt nhân của họ, việc cung cấp các thông số liên quan đến phát triển điện hạt nhân cũng được rõ ràng hơn.

Vì vậy, theo IAEA, về lâu dài, công suất phát điện hạt nhân ​​sẽ đóng một vai trò quan trọng trong phát triển năng lượng tại mỗi quốc gia do tăng trưởng dân số và nhu cầu về điện tại các nước đang phát triển, cũng như mối quan tâm của biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và biến động giá nhiên liệu trên toàn cầu. Tuy nhiên, mỗi quốc gia cũng cần phải có chính sách ứng phó với sự cố tương tự như sự cố tại Fukushima Daiichi và đây cũng là thách thức không nhỏ đối với các quốc gia muốn phát triển điện hạt nhân.

Theo NangluongVietnam.vn