Công nghệ năng lượng mặt trời nối lưới SIPV do Viện Vật lý TP Hồ Chí Minh tự nghiên cứu, ứng dụng đã và đang mở ra triển vọng sản xuất năng lượng sạch trong tương lai ở TP Hồ Chí Minh và cả nước, giúp tiết kiệm từ 30 đến 50% lượng tiêu thụ điện lưới quốc gia.
Hệ thống pin mặt trời lắp đặt trên nóc tòa nhà Viện Môi trường và Tài nguyên (Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).
Các chuyên gia năng lượng mặt trời của Viện Vật lý TP Hồ Chí Minh đang kỳ vọng về một dự án năng lượng mặt trời trong tương lai gần theo công nghệ nối lưới thông minh SIPV với siêu công suất - khoảng 250 MWp (bằng nửa công suất của Nhà máy thủy điện Trị An). Nếu sớm được triển khai, dự án này sẽ nhắm tới phát triển điện mặt trời ở vùng nông thôn, gồm khoảng mười nghìn mái nhà điện mặt trời cùng mười nghìn trụ đèn chiếu sáng công cộng sẽ sử dụng điện mặt trời. Và một tỷ USD là mức kinh phí dự trù để thực hiện dự án theo quy mô tầm cỡ quốc gia.
Nói về dự án này, kỹ sư Triệu Văn Thắng, Phó Trưởng phòng Công nghệ năng lượng mặt trời (Solarlab) thuộc Viện Vật lý thành phố cho biết: "Nếu chúng ta triển khai làm thì dự kiến lộ trình đầu tư đến năm 2025 mới xong. Và nếu như đến năm 2025 xong dự án thì tổng công suất điện mặt trời của Việt Nam cũng chỉ bằng một phần hai của Thái-lan. Kế hoạch của Thái-lan đến năm 2025 là 500 MWp. Nếu chúng ta làm được dự án này, danh tiếng của Việt Nam và trình độ công nghệ của Việt Nam sẽ khác và hy vọng rằng Phòng Công nghệ năng lượng mặt trời thuộc Viện Vật lý TP Hồ Chí Minh sẽ đem được công nghệ điện mặt trời nối lưới sản xuất tại Việt Nam ứng dụng vào dự án".
Công nghệ năng lượng mặt trời nối lưới SIPV được Solarlab nghiên cứu từ năm 2005 và chính thức đưa vào thử nghiệm vào năm 2008. Ðến nay, riêng tại TP Hồ Chí Minh đã có hai công trình sử dụng công nghệ này. Ðầu tiên là tại một ngôi nhà ở quận Tân Bình với công suất 2 kWp. Kế đến là tại tòa nhà của Tập đoàn Tuấn Ân với công suất 12,6 kWp ở quận Bình Tân. Với công nghệ SIPV, Việt Nam đã ghi danh là quốc gia thứ 6 ở châu Á làm chủ được công nghệ điện mặt trời nối lưới (năm quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc), Thái-lan.
Trên thế giới hiện nay đang có công nghệ điện mặt trời nối lưới cho các tòa nhà, viết tắt là BIPV (Building Integrated Photovoltaic), còn công nghệ mà Solarlab thực hiện là công nghệ điện mặt trời nối lưới thông minh SIPV (Smart Integrated Photovoltaic). Công nghệ này tích hợp công nghệ BIPV và công nghệ OGPV (Off-Grid PV) vừa thích ứng các điều kiện pháp lý hiện hành vừa đáp ứng các điều kiện hạ tầng còn yếu kém về điện của Việt Nam. Công nghệ SIPV phát huy được tất cả các ưu điểm của BIPV và dễ dàng biến đổi thành BIPV khi điều kiện pháp lý cho phép.
Kỹ sư Triệu Văn Thắng cho biết thêm: Công nghệ của chúng tôi có thể dùng cho tòa nhà, cho tàu hải quân, cho bất cứ công trình gì cũng được. Ưu điểm của công nghệ SIPV là nó giải quyết được những vướng mắc mà công nghệ BIPV không thể làm được tại Việt Nam. Bởi vì, chỉ có ở các nước không bị cúp điện thì mới dùng công nghệ BIPV. Còn tại Việt Nam, nếu dùng công nghệ BIPV, khi lưới điện bị cúp, tòa nhà đó sẽ bị mất điện luôn, kể cả điện mặt trời. Thực chất, công nghệ SIPV là công nghệ BIPV một chiều. Khi luật pháp Việt Nam cho phép điện mặt trời nối lưới và EVN bảo đảm không còn cắt điện nữa, "van một chiều" của SIPV sẽ được vô hiệu hóa và công nghệ SIPV lập tức trở thành công nghệ BIPV để hòa bán điện vào lưới quốc gia.
Công nghệ SIPV ưu tiên dùng điện mặt trời, chỉ khi điện mặt trời không đủ, mới cần sự trợ giúp từ điện lưới quốc gia (thiếu bao nhiêu cấp bấy nhiêu, không thiếu không cấp). Ý nghĩa khác của công nghệ là khả năng hỗ trợ phụ tải cho điện lưới quốc gia và hỗ trợ người tiêu dùng có thể mua điện của EVN vào giờ thấp điểm với giá rẻ. Tất cả các chức năng của hệ thống đều được bộ điều khiển thông minh số hóa và điều hành không cần đến sự can thiệp của con người. Buổi sáng khi mặt trời lên, hệ thống chuyển sang chế độ dùng điện mặt trời và ngắt điện từ EVN. Khi có sự cố đường dây của EVN, lập tức hệ thống chuyển sang dùng mạng điện mặt trời dự phòng từ giàn ắc-quy. Từ 22 giờ đêm, hệ thống điều khiển thông minh ra lệnh cho bộ sạc lưới mua điện giá rẻ của EVN. Khi điện sản xuất từ giàn pin mặt trời dư không dùng hết, phần điện dư thừa lập tức được đưa về dự trữ vào hệ thống tồn trữ năng lượng của tòa nhà.
Tại TP Hồ Chí Minh, lượng ánh sáng mặt trời trung bình năm là 5,20 kW giờ/ngày là điều kiện đủ để đáp ứng việc phát triển nguồn năng lượng này. Các chuyên gia cho rằng, nếu chỉ cần có một triệu hộ dân ở thành phố dùng điện mặt trời thì sẽ giảm được một gánh nặng lớn cho ngành điện. Một ưu điểm công nghệ điện mặt trời nối lưới ở ngôi nhà là chủ động được nguồn điện, sử dụng năng lượng sạch, tái tạo. Còn chất lượng điện từ nguồn điện mặt trời ngang bằng với chất lượng điện lưới quốc gia.
Theo tính toán, điện mặt trời nối lưới SIPV sẽ giảm đến 30% chi phí đầu tư. Theo các chuyên gia, với những ưu điểm mang lại từ công nghệ này, hệ thống điện mặt trời nối lưới sẽ mở ra hướng phát triển sản xuất năng lượng sạch trong tương lai, giúp tiết kiệm từ 30 đến 50% lượng tiêu thụ điện lưới quốc gia. Không những vậy, nó còn giúp giải quyết tình trạng thiếu điện giờ cao điểm như hiện nay. Vấn đề then chốt hiện nay là Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển năng lượng mặt trời và khuyến khích người dân sử dụng nguồn năng lượng mới này. Bởi lợi ích của điện mặt trời đã được thế giới chứng minh từ khá lâu.
Thúy Hằng