Thứ sáu, 22/11/2024 | 21:42 GMT+7

Lựa chọn nguồn năng lượng mới cho tàu đánh cá

30/07/2013

Xuất phát từ nhu cầu sử dụng nguồn năng lượng ngày càng tăng trong hoạt động sinh hoạt, sản xuất, thông tin liên lạc… của tàu đánh bắt cá xa bờ, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã áp dụng thí điểm mô hình hệ thống điện bằng nguồn năng lượng mặt trời cho 2 tàu đánh cá.

Xuất phát từ nhu cầu sử dụng nguồn năng lượng ngày càng tăng trong hoạt động sinh hoạt, sản xuất, thông tin liên lạc… của tàu đánh bắt cá xa bờ, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã áp dụng thí điểm mô hình hệ thống điện bằng nguồn năng lượng mặt trời cho 2 tàu đánh cá. Sau 5 tháng triển khai và áp dụng, tỉnh nhận thấy rằng đây là một trong những biện pháp tối ưu giúp ngư dân thực hiện mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Năm 2012, Trung tâm Tư vấn công nghiệp và Tiết kiệm căng lượng tỉnh Thừa Thiên - Huế (TTTKNL) đã phối hợp với UBND huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành khảo sát; lựa chọn tàu đánh cá để hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm hệ thống điện năng lượng mặt trời công suất 1,5 kW/hệ. Đến tháng 1 năm 2013, mô hình được lắp đặt và đưa vào vận hành tại 2 tàu đánh cá công suất 135CV. Đó là tàu mang biển số TTH-99999-TS của ông Phan Viết Chinh và tàu mang biển số TTH-95679-TS của ông Trần Văn Chiến. Sau 5 tháng vận hành, hệ thống được nhận định là hoạt động ổn định và đạt hiệu quả cao. 

Được biết, cả 2 tàu mỗi tàu sử dụng 16 bóng đèn sợi đốt có công suất 1.000 W/bóng cho việc chiếu sáng trong quá trình đánh bắt cá. Trước khi ứng dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời (pin panel), nguồn điện cho sinh hoạt và đánh bắt của 2 tàu được cung cấp hoàn toàn từ máy phát. Theo đó, mỗi đêm tiêu tốn 100 lít dầu và mỗi chuyến đi kéo dài từ 7-10 ngày. Ước tính, mỗi tàu tiêu tốn gần 200 lít dầu/ngày ra khơi, tương đương với gần 40 triệu cho mỗi chuyến đi.

ac2f39967_tai_xuong_17.jpg

Ông Phạm Viết Chinh cho biết, sau khi đưa hệ thống pin panel vào hoạt động, chúng tôi nhận thấy rằng khi sử dụng điện sinh hoạt và các công việc phụ tải thấp đều không phải chạy máy phát mà sử dụng nguồn điện từ chính những tấm pin này. 

Cấu tạo hệ thống điện năng lượng mặt trời gồm 8 tấm pin panel. Với công suất 175Wp/tấm, pin panel được lắp đặt trên cabin của tàu để có thể hấp thụ bức xạ ánh nắng mặt trời một cách tối đa. Năng lượng từ các tấm pin được chuyển đến hệ thống 6 bình ắc - quy với dung lượng 1.200Ah. Từ hệ thống ắc-quy năng lượng được chuyển thành nguồn điện xoay chiều 220V qua bộ điều khiển biến tần (Inverter) 1.400VA. Kết quả thử nghiệm cho thấy, hệ thống tự sản xuất mỗi ngày từ 6-8kW điện. Mặt khác, hệ thống còn đáp ứng được yêu cầu điện năng từ hệ thống chiếu sáng cho công tác đánh bắt cá. Ngoài ra, có thể ứng dụng rộng rãi hệ thống này cho các tàu đánh cá công suất 100 CV trở lên. Theo đánh giá của TTTKNL, con số tiết kiệm từ các chủ tàu mỗi đêm là 20 lít dầu, xấp xỉ 440.000 đồng/đêm.

Cùng với đó, thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với chủ tàu lắp đặt thử nghiệm thêm 2 đèn Led, công suất 60W/đèn. Theo dõi quá trình hoạt động, Trung tâm nhận thấy, mỗi bóng đèn Led thay thế được bóng sợi đốt 1.000W, độ sáng và bán kính chiếu sáng tốt hơn. 

Có thể thấy rằng, nếu thay thế các bóng đèn sợi đốt 1.000W bằng đèn Led 60W thì hệ thống năng lượng có thể thay thế hoàn toàn máy phát trong thời gian từ 6-7 giờ/ngày và có khả năng tiết kiệm được 60-70 lít dầu/đêm cho các tàu đánh cá (tương đương 1.320.000-1.54.000 đồng/đêm). Đây là tín hiệu mừng cho các ngư dân.

Ông Trương Hoàng Công Danh - Giám đốc TTTKNL tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ hỗ trợ 30% kinh phí lắp đặt và mua sắm trang thiết bị, 70% còn lại được huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp” . 

Nhìn chung, vấn đề chi phí đầu tư cho hệ thống còn là vướng mắc của hầu hết các ngư dân. Nhưng với tiềm năng phát triển, công dụng ưu việt của pin năng lượng mặt trời cho tàu đánh cá cùng với sự trợ giúp từ Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp, có thể tin tưởng rằng mô hình này sẽ được nhân rộng, ứng dụng hiệu quả tại các vùng, miền trên toàn quốc.

Việc sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời có thể tiết kiệm được số tiền không nhỏ cho ngư dân và năng lượng cho quốc gia, nhưng để đầu tư cho 1 bộ pin và đèn Led không phải là điều dễ dàng. Trên thị trường hiện nay, giá mỗi bóng đèn Led dao động từ 4-5 triệu đồng/bộ. Trong khi đó, mỗi tàu đánh cá muốn có đủ ánh sáng phục vụ cho sinh hoạt, đánh bắt, cũng như tiết kiệm kinh tế trong việc sản xuất thì cần từ 10 bộ trở lên, nếu đầu từ thay thế hoàn toàn thì chi phí khoảng 50-60 triệu đồng, chưa kể tiền để lắp đặt pin panel cho tàu khoảng trên 183triệu đồng/bộ.


Hạ Viên