Sáng 28-6, Trung tâm tiết kiệm năng lượng Hà Nội (Sở Công thương) đã tổ chức hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Theo các chuyên gia, tính đến năm 2012, tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam chiếm khoảng 30%. Các tòa nhà ở và tòa nhà công cộng nằm trong số các đối tượng tiêu thụ năng lượng nhiều nhất tại Việt Nam, chiếm khoảng 10% tổng lượng điện tiêu thụ.
Khảo sát một số tòa nhà sử dụng nhiều năng lượng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy với tòa nhà là trung tâm thương mại, siêu thị, thiết bị sử dụng nhiều năng lượng là điều hòa không khí (chiếm 75%), thiết bị chiếu sáng (khoảng 10%), thang máy (khoảng 5%) và các thiết bị khác (10%).
Dù tiêu tốn như trên, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng ở Việt Nam tương đối lớn ở cả công trình xây dựng mới và các công trình đang sử dụng hoặc sắp cải tạo.
Theo đó, đối với các công trình mới, nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế kiến trúc, sử dụng các vật liệu tiết kiệm năng lượng, lắp đặt và vận hành các trang thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, có cán bộ quản lý năng lượng đủ trình độ, có thể tiết kiệm năng lượng khoảng 30-40%.
Bên cạnh đó, đối với các công trình đang hoạt động hoặc sắp cải tạo, nếu tiến hành kiểm toán năng lượng và sau đó triển khai áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, cũng có thể tiết kiệm năng lượng từ 15- 25%.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe đại diện của Tòa nhà HITC, 239 Xuân Thủy, Cầu Giấy – tòa nhà được Bộ Công thương trao giải Nhất “Tòa nhà quản lý năng lượng sáng tạo và độc đáo” chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, chuyên gia đánh giá trưởng của Quacert cũng giới thiệu hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001 cho các doanh nghiệp.
Thúy Hằng