Ngoài sản lượng lúa chiếm tỷ trọng cao trong vựa lúa miền Nam, Tiền Giang còn có hàng chục loại cây trái ngọt lành, đặc trưng của vùng phù sa đất bồi màu mỡ. Với thế mạnh của vùng kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái, Tiền Giang đang là địa phương điển hình trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đi lên bằng tiềm năng đa dạng của mình khi dòng điện quốc gia tỏa về phủ kín khắp một vùng sông nước.
Từ tiềm năng đa dạng
Đầu tháng 6, khi những cơn mưa đầu mùa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu chớm hạt, chúng tôi có mặt ở Tiền Giang. Bồng bềnh trên con thuyền du lịch băng băng xé nước, chúng tôi đến với chợ nổi Cái Răng và khu sinh thái cù lao Thới Sơn từ 7 giờ sáng. Lạ lẫm, háo hức với cảnh vật và con người nơi đây, chúng tôi thật sự bị cuốn hút bởi những hoạt động mua, bán nhộn nhịp trên sông và phố 2 bên bờ. Nổi bật trên dòng nước đỏ phù sa, mờ sương trắng là hình ảnh những mái chèo với chiếc áo bà ba, khăn rằn quấn cổ và những câu hò ngọt ngào, sâu nặng nghĩa tình Nam Bộ:
Hò hơ… Ai về Cái Răng, Cái Bè… chợ nổi
Đò ngược vú sữa Vĩnh Kim, đò xuôi sầu riêng Ngũ Hiệp
Chàng về quê thiếp Hòa Lộc có xoài
Níu chân chàng ở lại… Hò hơ… ở hoài với… Mỹ Tho!
Trái cây Tiền Giang tại chợ nổi Cái Răng
Trải dọc trên bờ Bắc sông Tiền - một nhánh của sông Mê Kông với chiều dài 120km, Tiền Giang có diện tích tự nhiên là 2.481,77 km2, dân số hiện nay hơn 1,7 triệu người với 8 huyện, 1 thành phố, 1 thị xã và 169 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó, thành phố Mỹ Tho là đô thị loại 2.
Trên địa hình sông nước mênh mang ấy, Tiền Giang lại phát huy được thế mạnh tiềm năng về du lịch. Sản phẩm du lịch Tiền Giang phong phú, đa dạng chủ yếu nhờ vào các di tích văn hóa lịch sử và sinh thái như: Di tích văn hóa Óc Eo, Gò Thành, di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, di tích Ấp Bắc, lũy Pháo Đài, lăng Trương Định, chùa Vĩnh Tràng. Còn có đình Long Hưng – nơi Ủy ban khởi nghĩa Nam Kỳ chọn làm Tổng hành dinh và là nơi xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên của cả nước. Thêm vào đó là các điểm du lịch sinh thái mới được tôn tạo như: Vườn cây ăn quả ở cù lao Thới Sơn, Ngũ Hiệp, trại nuôi rắn Đồng Tâm, khu sinh thái Đồng Tháp Mười, biển Gò Công… tất cả như cuốn hút du khách trong và ngoài nước về với Tiền Giang...
Đến dùng điện và tiết kiệm điện
Điện lưới quốc gia sớm đến toàn bộ trung tâm các xã, phường, thị trấn của Tiền Giang từ những năm 2005-2008, đáp ứng đủ điện cho các khu công nghiệp chế biến nông sản, xay xát và chế biến thủy sản xuất khẩu tập trung như khu công nghiệp Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang và các cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh, An Thạnh… Sản lượng điện thương phẩm năm 2012 đạt 1.466 triệu kWh, trong đó phục vụ cho sản xuất công nghiệp chiếm 47,2%.
Ông Lưu Thanh Nam - Giám đốc Công ty Điện lực Tiền Giang cho biết: “Hai cái khó mà CBCNV Điện lực Tiền Giang phải vượt qua là khối lượng lưới điện nông thôn tiếp nhận chưa được sửa chữa còn khá lớn 1.718km, tương đương 71% lưới điện đã tiếp nhận, đồng nghĩa với việc chấp nhận tỷ lệ tổn thất điện năng cao trên 8%; thứ hai là phải đồng thời thực hiện chỉ tiêu tiết kiệm điện trong sản xuất tiêu dùng với địa bàn dân cư sông nước, bán kính cấp điện rộng cho gần 470.000 khách hàng dùng điện”.
Thực vậy, chỉ tiêu tổn thất điện năng có thể kéo xuống được khi nguồn vốn cải tạo lưới điện được giải ngân, nhưng phong trào tiết kiệm điện từ ý thức đến hành động, thực tế đối với Tiền Giang là cả một quá trình. Chúng tôi thật sự khâm phục cách làm của Tiền Giang trên mặt trận đầy gian khó này.
Từ đầu năm, PC Tiền Giang đã triển khai chương trình “Ấp văn hóa tiết kiệm điện - Gia đình tiết kiệm điện năm 2013” tạo chiến dịch mở màn với 3 mục tiêu cụ thể: Một là: Hình thành những điển hình “Gia đình tiết kiệm điện” tạo sức lan tỏa mạnh trong toàn tỉnh; Hai là: Xây dựng thành công mô hình “Ấp văn hoá - tiết kiệm điện” tại địa phương; Ba là: Quảng bá và nhân rộng mô hình đến tất cả các khu phố, ấp trên địa bàn toàn tỉnh Tiền Giang, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tiết kiệm điện Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) giao năm 2013.
Với mục tiêu đó, một giải pháp trọn gói cho việc triển khai thực hiện đã được hình thành, thống nhất cao từ chính quyền các cấp đến các đơn vị quản lý, kinh doanh điện năng với phương châm: “Lấy tuyên truyền vận động làm phương tiện, lấy thi đua làm động lực và huy động sự phối hợp của lực lượng chính quyền, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, học sinh sinh viên làm nòng cốt”, tạo ra “mặt trận”, vào cuộc thắng lợi ngay từ đầu năm 2013.
PC Tiền Giang chọn thời điểm cho đợt thi đua cao trào tiết kiệm điện bắt đầu từ tháng 3/2013 và kết thúc cuối tháng 12/2013. 10 Điện lực trực thuộc PC Tiền Giang đã đồng loạt ra quân phát động chương trình thi đua đến toàn thể khách hàng các ấp, phường trên địa bàn; mỗi Điện lực khu vực chọn 2 ấp/xã (phường) vận động thực hiện thí điểm. Riêng 794 CBCNV của Điện lực Tiền Giang đã đăng ký hộ gia đình gương mẫu đi đầu tại địa phương trong tiết kiệm điện
Tuyên truyền tiết kiệm điện trong trường học tại Tiền Giang
Với cách làm này, chỉ tiêu thi đua được đưa về thảo luận và công khai tại từng tổ, ấp và trở thành đợt sinh hoạt cộng đồng hào hứng, dân chủ và thiết thực. Nhiều thôn ấp đã hình thành những cam kết trên 80% hộ dân trong ấp đạt tiêu chí tiết kiệm từ 6% đến 10% điện năng so với lượng điện sử dụng cùng kỳ năm 2012, riêng đơn vị ấp tiết kiệm 5% so với năm trước. Trong bản đăng ký tập thể còn có cam kết: Xóa trắng các trường hợp sử dụng bóng đèn sợi đốt trên địa bàn. Đội tuyên truyền viên tiến hành phổ biến rộng việc lắp đặt, sử dụng đèn compact, bình nước nóng năng lượng mặt trời và các thiết bị tiết kiệm điện trong gia đình. Tại thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công, hệ thống chiếu sáng công cộng được đăng ký thực hiện đúng tiêu chí tiết kiệm 10% điện năng và dần thay thế hàng trăm bóng đèn thủy ngân bằng các loại đèn led tiết kiệm điện. Đặc biệt, các đoàn thể quần chúng phối hợp thành “binh chủng” xung kích dưới sự chỉ đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh vào cuộc ủng hộ thiết thực cho phong trào tiết kiệm điện ở Tiền Giang; mỗi ấp bình chọn ra ít nhất 1 tuyên truyền viên tiết kiệm điện chịu trách nhiệm tổ chức và duy trì phong trào sâu rộng..
Báo, Đài truyền hình và các cơ quan tuyên truyền của địa phương đã vào cuộc, nhịp nhàng phối hợp với PC Tiền Giang trong các hoạt động bề nổi như: Tổ chức đoàn xe tuyên truyền cổ động, phát tờ rơi trên đường phố mỗi tuần 3 buổi. Mỗi Điện lực chọn 1 trường tiểu học hoặc trung học trên địa bàn để tổ chức thi tìm hiểu kiến thức tiết kiệm điện trong học sinh. Hàng nghìn học sinh của Tiền Giang đã trở thành những tuyên truyền viên đắc lực, giúp hoạt động tiết kiệm điện được lan tỏa mạnh trong gia đình và xóm ấp.
Hiệu quả không chỉ tính từ con số
Tin vui đến, chỉ 5 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh Tiền Giang đã có sản lượng điện tiết kiệm lên đến 15,7 triệu kWh, tạo đà cho việc hoàn thành và vượt chỉ tiêu tiết kiệm điện của EVNSPC giao cả năm là 34,4 triệu kWh, ứng với 2,1% sản lượng điện thương phẩm cả năm 2013 của địa phương là trên 1,6 tỷ kWh. Nhưng “cái được” lớn hơn trong phong trào tiết kiệm điện ở Tiền Giang năm nay là từ những việc làm cụ thể của phong trào đã tạo ra ý thức trong khách hàng dùng điện; khẳng định việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm đã trở thành thói quen tốt và nét văn hóa riêng của người dân sông nước Tiền Giang.
Xe qua cầu Mỹ Thuận - cung đàn khổng lồ nổi bật trên màu xanh của vùng sông nước thanh bình, ngọt ngào cây trái và tình người, chúng tôi tạm biệt Tiền Giang - vùng đất phù sa, đậm chất địa linh, nhân kiệt đang trở mình vươn lên theo mạch điện năng của đất nước. Từng thôn, ấp miệt vườn của Tiền Giang giờ đây đã rực lên ánh điện của hạnh phúc và sự phát triển. Tiết kiệm điện ở Tiền Giang đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân sông nước; từng kWh điện đều được phát huy tối đa để xây dựng nông thôn mới, hướng đến một Tiền Giang công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong tương lai không xa.
Thúy Hằng