Thứ năm, 16/01/2025 | 00:43 GMT+7

“Chung tay” vì năng lượng tái tạo

20/06/2013

Phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) đòi hỏi một lượng vốn đầu tư lớn.

Phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) đòi hỏi một lượng vốn đầu tư lớn. Kêu gọi sự “chung tay” của các nguồn vốn đầu tư tư nhân cộng với “sức đẩy” từ sự trợ giúp của Chính phủ... chính là giải pháp được nhiều nước, trong đó có Việt Nam, thực hiện để phát triển nguồn năng lượng này.

501eefee5_download.jpg

Từ bài học của những cường quốc

Tiến sỹ Cary Bloyd - Chuyên viên khoa học cao cấp Phòng thí nghiệm quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương (Hoa Kỳ) cho biết: Kinh nghiệm của các nước phát triển mạnh về các nguồn NLTT cho thấy, vai trò của Chính phủ rất quan trọng trong việc phát triển các dự án NLTT, đặc biệt trong việc thu hút đầu tư tư nhân. Chính phủ có thể đóng vai trò bảo trợ giúp DN vay vốn. Chính phủ cũng cần ban hành những ưu đãi về thuế, tiền thuê đất để giúp DN có thêm thuận lợi khi đầu tư vào các dự án này.

Cụ thể, tại Cộng hòa Liên bang Đức, chính sách hỗ trợ của Chính phủ được dành cho cả nhà đầu tư (sản xuất) lẫn người sử dụng điện mặt trời. Người dân khi sử dụng pin năng lượng mặt trời (NLMT) trong vòng 20 năm sẽ nhận được giá cả ưu đãi. Các nhà sản xuất điện mặt trời có thể được đảm bảo về đầu ra khi có thể bán điện với giá 50 cent/kWh (trong khi giá điện ở Đức là 20 cent/kWh). Sau khi Luật về NLTT của Đức có hiệu lực, nhà sản xuất càng trở nên an tâm hơn vì họ được nhiều ưu đãi. Theo đó, điện tái tạo được ưu tiên đưa vào điện lưới quốc gia; người sản xuất điện được bán điện với giá ổn định, cao hơn giá thị trường trong thời gian tối thiểu 20 năm để đảm bảo có lãi. Thậm chí, nếu tư nhân đầu tư điện tái tạo càng sớm thì nhà nước hỗ trợ càng nhiều và cứ sau mỗi năm, số tiền hỗ trợ sẽ giảm đi. Điều này kích thích các nhà đầu tư tư nhân tham gia rất sớm vào lĩnh vực này.

Ở một số địa phương của Trung Quốc, để hỗ trợ phát triển điện mặt trời, Chính phủ trợ giúp DN và người dân bằng cách hỗ trợ chi phí nghiên cứu, sản xuất máy nước nóng NLMT nhằm giảm giá thành loại máy này sao cho bằng với loại máy nước nóng chạy điện bình thường. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng hỗ trợ chi phí tuyên truyền, quảng bá máy nước nóng. Sau cùng, Chính phủ yêu cầu tất cả các tòa nhà phải sử dụng loại máy nước nóng này. Nhờ những giải pháp “mạnh tay”, tỷ lệ “phổ cập” máy nước nóng NLMT ở một số địa phương của Trung Quốc đã lên đến trên 90%.

Đến thành công bước đầu của Việt Nam

Tại Việt Nam, những bước đầu tiên trong việc đẩy mạnh sản xuất và sử dụng NLTT đã được “khởi động” bằng việc Chính phủ đưa ra những mục tiêu và lộ trình cụ thể cho loại năng lượng này trong Quy hoạch điện VII. Theo đó, năng lượng gió được xem là nguồn phát điện quan trọng nhất, sẽ được phát triển từ mức không đáng kể như hiện nay lên khoảng 1.000 MW vào năm 2020 và 6.200 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030. Bên cạnh đó, điện gió hiện cũng là nguồn điện tái tạo duy nhất được Chính phủ hỗ trợ giá mua với mức 7,8 cent/kWh (trong đó 6,8 cent được Tập đoàn Điện lực Việt Nam trả, 1 cent được Nhà nước trợ giá từ Quỹ Môi trường Việt Nam).

Bên cạnh đầu ra, đầu vào của các dự án điện gió cũng đã bắt đầu nhận được sự quan tâm và trợ giúp của Chính phủ. Ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và cơ chế phát triển sạch - Viện Năng lượng cho biết: Để hỗ trợ cho nhà đầu tư tư nhân, Nhà máy điện gió Bạc Liêu đã nhận được sự bảo lãnh của Chính phủ để vay vốn từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ đầu tư xây dựng dự án. Theo đó, trong giai đoạn 1, dự án đã được vay khoảng 70% tổng mức đầu tư. Bước sang giai đoạn 2, dự kiến, mức vay sẽ vào khoảng 85% tổng mức đầu tư của dự án. Cuối tháng 5 vừa qua, giai đoạn 1 của dự án này đã hoàn thành, đưa những dòng điện gió đầu tiên hòa lưới.

Cần nhiều giải pháp mạnh hơn

Tuy nhiên, ông Cường cũng cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, Bạc Liêu là dự án điện gió đầu tiên nhận được sự bảo lãnh này. Là một nước mới phát triển NLTT, sự hỗ trợ từ Chính phủ là điều vô cùng quan trọng trong thu hút đầu tư tư nhân, đặc biệt trong hoàn cảnh vốn đầu tư cho các dự án NLTT rất lớn, không thể chỉ trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. “Thời gian tới, chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều dự án được Chính phủ hỗ trợ vay vốn như dự án Bạc Liêu” - ông Cường cho hay.

Bên cạnh đó, theo ý kiến của các chuyên gia, “rào cản” lớn nhất hiện nay là cơ chế giá khi trợ giá cho than, điện quá nhiều. Do đó, bên cạnh việc xây dựng một cơ chế giá thuận lợi cho các dự án NLTT, kiên định mục tiêu đưa giá năng lượng vận hành theo giá thị trường, tạo một thị trường năng lượng minh bạch chính là “chìa khóa” dẫn dắt các nhà đầu tư tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường NLTT Việt Nam.

Được biết, sau điện gió, một số nguồn NLTT khác như sinh khối, khí sinh học, điện mặt trời… cũng đang được Bộ Công Thương xây dựng cơ chế ưu đãi. Tuy nhiên, những “cường quốc” về NLTT kể trên đã mất vài chục năm để có được thành quả như hiện nay, cho nên, thời gian tới, thiết nghĩ cần có những hỗ trợ mạnh hơn, nhanh hơn nữa từ Chính phủ để có nhiều hơn những dự án như Bạc Liêu nhằm đưa nguồn năng lượng quý giá này vào đời sống.

Thúy Hằng