Thứ sáu, 22/11/2024 | 20:07 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng ở tòa nhà: Khó về vốn

22/06/2013

Việc thực hiện tiết kiệm năng lượng (TKNL) không chỉ giúp giảm chi phí mà còn nâng cao hình ảnh của tòa nhà.

Việc thực hiện tiết kiệm năng lượng (TKNL) không chỉ giúp giảm chi phí mà còn nâng cao hình ảnh của tòa nhà. Tuy nhiên, do chi phí để thực hiện các giải pháp TKNL trong tòa nhà rất lớn nên nhiều doanh nghiệp (DN) khó triển khai.

9f0eb1437_toanhatiet_kiem.jpg

Khách sạn Rex - tòa nhà năng lượng tiêu biểu của Việt Nam

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tiêu thụ năng lượng tại các tòa nhà ở Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng, từ mức 20% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia năm 2003 lên đến mức 30% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia trong giai đoạn hiện tại. Hiện cả nước có hơn 1.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thì đã có 126 tòa nhà thuộc khu vực này (chiếm khoảng 10% tổng tiêu thụ năng lượng cả nước), tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Ông Đinh Chính Lợi – Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng)- cho biết, mặc dù tiêu thụ năng lượng ở mức độ lớn như vậy nhưng tiềm năng TKNL tại khu vực này cũng rất lớn. Đối với các công trình mới, nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế kiến trúc, sử dụng các vật liệu TKNL, lắp đặt và vận hành các trang thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, có cán bộ quản lý năng lượng đủ trình độ thì có thể TKNL khoảng 30 - 40%. Còn đối với các công trình đang hoạt động, nếu tiến hành kiểm toán năng lượng và sau đó triển khai áp dụng các giải pháp TKNL cũng có thể TKNL từ 15 - 25%.

Cùng với Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có hiệu lực, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Quy chuẩn “Công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả” nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động TKNL trong tòa nhà.

Hiện có khá nhiều tòa nhà đạt được hiệu quả kinh tế lớn khi ứng dụng những giải pháp TKNL. Điển hình như Khách sạn Rex (TP.HCM), Khách sạn Sheraton, tòa nhà HITC (Hà Nội). Ông Tào Văn Nghệ - Tổng giám đốc Khách sạn Rex- cho biết, từ năm 2010, với việc áp dụng nhiều giải pháp TKNL như: Đầu tư hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời; sử dụng hệ thống điều hòa inverter… năm 2012, khách sạn đã tiết kiệm được trên 400.000 kWh điện, tương đương 970 triệu đồng so với năm 2009. Đối với tòa nhà HITC, các giải pháp TKNL cũng đã mang lại hiệu quả lớn khi giúp tòa nhà tiết kiệm được 20% lượng điện năng tiêu thụ cho hệ thống điều hòa; 30% điện cho hệ thống thang cuốn tự động; 16% điện cho hệ thống bơm nước làm mát. Với những giải pháp này, tòa nhà HITC đã được Bộ Công Thương trao giải nhất tòa nhà quản lý năng lượng sáng tạo độc đáo.

Thực tế, nhiều DN nhận thức rõ lợi ích của TKNL là giúp giảm chi phí, an toàn cho người sử dụng, tạo dựng hình ảnh thân thiện với môi trường, nhưng không ít DN cho rằng, chi phí để thực hiện các giải pháp TKNL là rất lớn nên DN rất khó áp dụng. Bà Đỗ Thúy Hà- Điều phối viên Dự án Meet Bis Việt Nam (Thuộc chương trình Switch-Asia của EU có mục tiêu thúc đẩy sản xuất bền vững trong các DN thông qua thị trường TKNL và nước)- cho biết: Với nhiều giải pháp TKNL được đưa ra, hầu hết DN chỉ mới dừng ở mức tham khảo, áp dụng hay không thì hầu hết DN đều cân nhắc rất kỹ, nhất là vấn đề giá cả, nếu giải pháp đưa ra có mức chi phí hợp lý, DN mới triển khai.

Cũng theo bà Đỗ Thúy Hà, nhằm tìm kiếm giải pháp về tài chính cho DN, Meet Bis Việt Nam đã kết nối với Quỹ tín dụng xanh (GCTF) hỗ trợ cho những DN có nhu cầu triển khai các giải pháp TKNL. Tuy nhiên, DN vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn. Meet Bis Việt Nam hy vọng Quỹ tín dụng xanh sẽ tiếp tục nghiên cứu các gói giải pháp TKNL để hỗ trợ cho các DN Việt Nam có nhu cầu thay đổi về thiết bị, công nghệ TKNL.
 
Thúy Hằng