Chủ nhật, 22/12/2024 | 18:44 GMT+7

“Năng lượng sạch” của “tư duy sạch”!

18/06/2013

Cuối tháng 5 vừa rồi, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Du lịch Công Lý (chủ đầu tư) và tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức khánh thành giai đoạn 1 dự án nhà máy điện gió và hòa điện vào lưới điện quốc gia.

Cuối tháng 5 vừa rồi, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Du lịch Công Lý (chủ đầu tư) và tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức khánh thành giai đoạn 1 dự án nhà máy điện gió và hòa điện vào lưới điện quốc gia. 

Toàn bộ dự án có quy mô công suất 99,2 MW, gồm 62 trụ turbine gió, công suất mỗi turbine 1,6 MW, điện năng sản xuất toàn dự án khoảng 320 triệu KWh/năm, với tổng mức đầu tư 5.200 tỷ đồng, nằm trên diện tích 500ha đất ven biển xã Vĩnh Trạch Đông. Tính trong cả nước đây là nhà máy điện gió thứ hai sau Nhà máy điện gió Ninh Thuận nhưng là nhà máy điện gió đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long, đóng một dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển nguồn năng lượng sạch ở nước ta.

b266fb65f_download.jpg

Đó là chuyện kinh tế

Trên thế giới xu hướng khai thác năng lượng sạch đang là tất yếu. Nhưng ở đây, tôi muốn nói đến "năng lượng sạch" với nghĩa là môi trường kinh tế - xã hội sạch, "tư duy sạch" của con người trong quá trình phát triển. Đi lên từ văn hóa thì mục tiêu đến cũng là văn hóa. Hàm lượng văn hóa trong từng phong tục tập quán, trong nết ăn nết ở, trong phong cách làm việc, trong từng sản phẩm kinh tế, và ngay cả trong từng chính sách xã hội… là điều mà bất cứ ai trong chúng ta cũng phải hướng tới. Khi trao đổi với tôi, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - ông Võ Văn Dũng - vừa như tâm sự vừa như giãi bày có tính triết luận, rằng: Tỉnh Bạc Liêu đã xác định kinh tế phải đi lên từ văn hóa mang đặc trưng Bạc Liêu; nếu không đi theo con đường này thì sẽ rất khó phát triển; một khi nền kinh tế có hàm lượng văn hóa cao thì đó mới là nền kinh tế phát triển bền vững… Thực ra suy nghĩ của ông Bí thư Tỉnh ủy đối với các quốc gia phát triển mà điểm xuất phát của họ cao hơn chúng ta hàng nửa thế kỷ thì không mới, nhưng với Việt Nam nay đặt ra vấn đề này lại rất mới, và không phải người lãnh đạo nào cũng có tư duy như vậy. Bởi vì chúng ta đã có hàng chục năm trước đây vì mục tiêu phát triển kinh tế mà bất chấp các hệ lụy, gây ra nhiều thiệt hại về môi trường sống, gây ra những biến dạng không ít những giá trị văn hóa. 

Nhìn từ góc độ văn hóa, việc xây dựng nhà máy điện gió ven biển Bạc Liêu không đơn giản chỉ là sự "tận dụng" một cách thông minh nguồn gió biển vô tận ở vùng đất chỉ có đầm phá, vườn chim và biển như Bạc Liêu để phục vụ dân sinh. Nhà máy điện gió là một sự kiện chứng minh về bước đột phá trong tư duy của thế hệ lãnh đạo ở Bạc Liêu ngày nay: Phát triển kinh tế bằng văn hóa và kỹ thuật cao, bằng môi trường đầu tư sạch. Còn nhớ, cách đây không lâu Bạc Liêu đã từng tổ chức cuộc tọa đàm "Bạc Liêu đi lên từ văn hóa". Có lẽ ít có những cuộc tọa đàm mà ở đó chính những người Bạc Liêu đã thẳng thắn đánh giá những mặt mạnh, những mặt yếu của mình mà không sợ… "vạch áo cho người xem lưng". Tiềm năng kinh tế của Bạc Liêu không nhiều, nếu không nói là ít so với nhiều tỉnh trong khu vực, không hấp dẫn các nhà đầu tư, về địa lý thì lại là vùng đất xa xôi, gần như tận cùng của đất nước. Chính vì vậy mà lâu nay nhiều người đi qua Bạc Liêu (trong đó có cả tôi) để đến với Cà Mau, nếu có dừng chân chỉ là để nghỉ độ đường và để nghe, xem về giai thoại Công tử Bạc Liêu đốt tiền nấu chè đậu xanh… với sự tò mò vui vui. Nhưng nếu tìm hiểu và suy ngẫm một cách nghiêm túc thì ở Bạc Liêu, văn hóa mới là điều rất đáng tự hào, hấp dẫn, kể cả hấp dẫn đầu tư. Là một vùng đất dày đặc chiến công cách mạng hào hùng, với những con người hào sảng, giàu có về nghĩa tình, đậm đặc chất thi ca…, Bạc Liêu có những giá trị văn hóa đặc sắc mà ít nơi nào có. Đó là tính cách, con người Bạc Liêu, là cái nôi của bản “Dạ cổ hoài lang” (nơi khai sinh ra bản "Dạ cổ hoài lang" năm 1919 của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu), đờn ca tài tử, truyện vui bác Ba Phi, giai thoại Công tử Bạc Liêu, các khu du lịch tâm linh, các vườn chim, khu du lịch sinh thái Vườn nhãn, Đền thờ Bác Hồ… Đó chính là cơ sở để nghĩ về sự phát triển du lịch, coi du lịch là kinh tế mũi nhọn ở Bạc Liêu với một tinh thần thân thiện nhất, với những thiết chế hấp dẫn nhất. 

Đờn ca tài tử là hồn cốt của người dân Bạc Liêu. Hiện nay Bạc Liêu đã đăng ký đăng cai tổ chức Festival Đờn ca tài tử toàn quốc với những công việc rất nặng nhọc, nhưng nếu không làm sẽ bỏ qua cơ hội để đờn ca tài tử được UNESCO xem xét công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhà văn Phan Trung Nghĩa đã viết: "… Hôm nay, người Bạc Liêu đang tiếp tục lấy văn hóa, lịch sử - vốn là thế mạnh của đất Bạc Liêu làm nguồn lực đi lên. Như vậy, con cháu người Bạc Liêu hôm nay đang góp nhặt, giữ gìn, nuôi dưỡng cái hồn cốt cha ông của họ. Quyện lại, và trên tất cả, nó làm sâu sắc thêm bản sắc văn hóa của vùng đất, mà văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực trực tiếp quan trọng của phát triển...". 

Giàu có văn hóa như vậy nhưng tại sao ít người dừng lại Bạc Liêu trên đường thiên lý? Lỗi một phần là của người không muốn dừng lại vì chưa hiểu hết những giá trị giàu có về văn hóa của Bạc Liêu, nhưng lỗi lớn hơn có lẽ là nhiều năm rồi Bạc Liêu không có một sự tự giới thiệu một cách bài bản, đồng bộ về vẻ đẹp của mình. Hữu xạ tự nhiên hương không phải trong trường hợp nào cũng đúng. Ngày nay làm gì có nhiều chuyện cổ tích cô công chúa đẹp trong rừng sâu chờ chàng hoàng tử tài ba đến đón. 

Về lịch sử, dân cư Bạc Liêu hội tụ không giống các mô hình làng xã cố kết đời này qua đời khác ở phía Bắc mà là từ sự xiêu tán, từ sự nghèo khó, tha hương, nên thường cởi mở, thích "làm lớn", bộc trực, dám phản kháng mạnh mẽ với bất công. Ở Bạc Liêu, có 3 dòng văn hóa đan xen nhau: Văn hóa Kinh, văn hóa Khơ-me, văn hóa người Hoa. Mỗi một dòng văn hóa có những sắc thái riêng nhưng lại hài hòa trong một tổng thể tạo nên sắc thái văn hóa chung - văn hóa người Bạc Liêu. Thông thường, người ta nhìn thấy ở giai thoại Công tử Bạc Liêu là cái sự giàu có khủng khiếp và tiếp đó là thú ăn chơi, phá gia chi tử cũng ở mức độ khủng khiếp. Nhưng nghĩ sâu xa thì sẽ thấy được bài học bổ ích cho không chỉ từng cá nhân mà còn cho cả những thế hệ, cả cộng đồng: Muốn giàu có phải làm việc cật lực hết mình, giỏi giang hết mình, đánh cược cả cuộc đời với cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này (trường hợp cha của Công tử Bạc Liêu); chỉ hưởng thụ không thôi thì lại là cách phá nhanh nhất, vô trách nhiệm nhất với chính mình và người thân (trường hợp Công tử Bạc Liêu) - cho dù ở đó có hình bóng của sự nghĩa hiệp, hào sảng… Và ở đó cũng thấy rõ nhất cái ranh giới mỏng manh giữa tột đỉnh vinh quang và đáy sâu lụn bại. 

Nhìn ra chung quanh, có lúc người Bạc Liêu cũng chạnh lòng về những công trình công nghiệp. Cà Mau có Dự án Khí - điện - đạm, Sóc Trăng có Khu kinh tế Định An, Hậu Giang có Trung tâm nhiệt điện Sông Hậu, nhà máy đóng tàu, nhà máy giấy, Kiên Giang cũng có nhà máy nhiệt điện rất lớn; Cần Thơ có Khu công nghiệp Trà Nóc… Còn Bạc Liêu, gần như không có công trình nào lớn. Vậy nên, Bạc Liêu không thể khác được phải xây dựng những thiết chế mở, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Những dự án đã mời gọi, những dự án đang mời gọi… được công bố công khai. Thông thường, ở một số nơi, bí mật quy hoạch, bí mật dự án làm nên mối lợi cho những nhóm lợi ích, nhưng ở Bạc Liêu mà như vậy thì chỉ dẫn đến hệ lụy nguy hiểm, kéo lùi tiến trình phát triển. Vì sự phát triển, Bạc Liêu đã làm một cuộc "cách mạng" trong cải cách hành chính rất triệt để. Đề nghị cơ chế mở, đặc thù, rút ngắn thời gian thỏa thuận vị trí đất, giao đất, cấp phép đầu tư…, nhưng không trái với quy định chung của pháp luật, đang là cách làm của lãnh đạo Bạc Liêu. Suy nghĩ thống nhất trong thế hệ lãnh đạo Bạc Liêu là phải biết mình là ai, đang đứng ở đâu mà có cách ứng xử phù hợp. Hào sảng đấy, kiên cường đấy nhưng phải có hàm lượng văn hóa với sự cởi mở, thân thiện và mang lại lợi ích cho nhà đầu tư để cùng chiến thắng. Để tập trung vào một mối thống nhất, các trung tâm xúc tiến đầu tư thuộc các sở, ngành, được hợp nhất lại thành Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch của tỉnh nhằm giúp doanh nghiệp về các thủ tục đầu tư, khắc phục tình trạng để các doanh nghiệp tự chạy lo thủ tục rất khó khăn. Rút kinh nghiệm về bài học đắng chát "đại công trường" ở Hà Giang nên Bạc Liêu không căng ra phát triển mành mành mà tập trung có trọng tâm, trọng điểm. 

Vì có cuộc cải cách hành chính quyết liệt này nên ngoài những công trình hạ tầng do Nhà nước đầu tư thì có nhiều nhà đầu tư khác bỏ ra từ cả trăm tỷ đồng đến hàng ngàn tỷ đồng để nuôi tôm, xây dựng nhà máy, khu du lịch, làm đường, làm cầu… Phải tin tưởng lắm, phải yêu lắm mảnh đất này, và phải thấy những lợi ích thiết thực và cầm nắm được các nhà đầu tư mới dám vượt qua "thói thường đầu tư" cùng với những "nỗi sợ hãi" hiện hữu lâu nay để đến với Bạc Liêu. Đó cũng là những biểu hiện "năng lượng sạch" của những cái đầu có "tư duy sạch" trong môi trường đầu tư ở Bạc Liêu. 

Và với cuộc cải cách hành chính quyết liệt này mà chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bạc Liêu từ chỗ năm 2011 xếp thứ 37 đã vươn lên đứng thứ 7 của cả nước trong năm 2012. Tất nhiên, không thể so sánh với những tỉnh, thành lớn với những gánh nặng cơ chế ràng buộc, những yêu cầu cao rất dày đặc, nhưng rõ ràng sự bứt phá vuơn lên về chỉ số cạnh tranh của Bạc Liêu phải được ghi nhận. Nó là kết quả của một quá trình vật vã, trăn trở và tự đổi mới quyết liệt với những va chạm nảy lửa giữa tư duy mới với "truyền thống" tự hài lòng trong chính mỗi người. 

Có một suy nghĩ có lý thế này: Bạc Liêu có truyền thống cách mạng rất hào hùng, với nhiều cuộc nổi dậy điển hình của nông dân Nam bộ chống đế quốc, phong kiến, hai lần giành chính quyền trọn vẹn từ tay giặc không cần đến tiếng súng, vậy mà tại sao ngày nay không phát triển giàu đẹp cho được! Tất nhiên mong muốn bao giờ cũng đẹp, và cũng tất nhiên để mong muốn trở thành hiện thực thì phải giải quyết hàng loạt những chi phối, ràng buộc của thói quen hôm qua còn phù hợp nhưng hôm nay lại là sức cản. Không va chạm, không dám "cãi" với chính tư duy cũ của mình thì không thể có "năng lượng sạch", "tư duy sạch" và đương nhiên không thể phát triển. Người Bạc Liêu đã và đang làm điều đó. 

Trước đây, khi đi công tác ở Đồng bằng sông Cửu Long, tôi từ Cần Thơ đi về phía Nam thường bỏ qua Bạc Liêu để đến với Cà Mau. Nay nếu có dịp đi như vậy, chắc chắn tôi sẽ dừng lại Bạc Liêu. Và tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều người có quyết định giống mình.

Theo Hà Nội mới