Thứ sáu, 22/11/2024 | 23:07 GMT+7

Đưa vào sử dụng 3 dự án năng lượng tái tạo tại Quảng Nam

06/06/2013

Tỉnh Quảng Nam đã thực hiện được 3 dự án năng lượng tái tạo cấp điện cho khoảng 650 hộ ở 2 xã miền núi cao dọc theo biên giới Việt – Lào (xã A Xan, Ga Ri - huyện Tây Giang) và xã đảo Tân Hiệp (thành phố Hội An).

Tỉnh Quảng Nam đã thực hiện được 3 dự án năng lượng tái tạo cấp điện cho khoảng 650 hộ ở 2 xã miền núi cao dọc theo biên giới Việt – Lào (xã A Xan, Ga Ri - huyện Tây Giang) và xã đảo Tân Hiệp (thành phố Hội An).
 
9cd2ef874_p1060879.5.6.13.jpg
 
Trạm thí nghiệm năng lượng gió, mặt trời để chuẩn bị cho dự án cung cấp điện tại Bãi Làng, Cù Lao Chàm.

Từ 3 năm trở lại đây, trước thực tế còn 12 xã và hàng chục thôn, bản chưa có điện đều thuộc vùng sâu, vùng xa và hải đảo, mật độ dân cư thưa thớt, tiêu thụ điện thấp dẫn đến suất đầu tư/hộ dân rất lớn, vì thế UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Tổng công ty Điện lực miền Trung, một mặt tạo vốn đầu tư cấp điện bằng lưới điện quốc gia về những vùng chưa có điện, mặt khác cấp điện bằng các dạng năng lượng tái tạo (NLTT) như: Pin mặt trời, năng lượng gió, thủy điện nhỏ để từng bước phủ điện đến những nơi “đầu sóng ngọn gió” này.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Nam, đến nay đã triển khai thí điểm thành công dự án đầu tư thuộc Chương trình Năng lượng nông thôn Việt Nam - Thụy Điển, với tổng mức đầu tư 34 tỷ đồng, cấp điện cho 3 xã nói trên nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm ổn định cho người dân ở các xã này. Trong đó, hệ thống điện xã A Xan (thí điểm) và hệ thống điện xã Ga Ri (dự án bổ sung) cấp điện cho 550 hộ dân bằng việc đầu tư xây dựng nhà máy thuỷ điện nhỏ tại chỗ; hệ thống phát điện hỗn hợp pin mặt trời – diezel, công suất 48 kW tại xã đảo Tân Hiệp cấp điện cho 100 hộ dân ở thôn Bãi Hương.

Riêng xã đảo Tân Hiệp, việc cấp điện vẫn còn được thực hiện chủ yếu qua 2 trạm phát điện diezel, công suất 75 kW do Ban quản lý điện của xã quản lý và trực tiếp bán điện cho hơn 600 hộ dân, nhưng mỗi đêm không quá 6 giờ và giá điện đến 1.800 - 2.000 đồng/kWh, dù ngân sách tỉnh đã hỗ trợ 50%. Đã thế, các máy phát điện thường hay bị trở ngại, hư hỏng, chất lượng điện kém. Nguồn điện nhỏ lẻ này không thể phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là với chủ trương phát triển du lịch, dịch vụ trên đảo Cù Lao Chàm rất khó thành công trọn vẹn nếu không tạo được nguồn điện vững chắc, tin cậy cho nơi đây.

Đây là những dự án đầu tiên cấp điện bằng năng lượng tái tạo ở miền núi và hải đảo Quảng Nam. Từ thành công này, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn các xã, thôn chưa có điện.

Được biết, Quảng Nam hiện vẫn còn 5 xã và 66 thôn ở miền núi “trắng điện” và lưới điện cần đầu tư nâng cấp cải tạo chiếm hơn một nửa khối lượng đường dây toàn hệ thống.
 
Thúy Hằng