Thứ bảy, 23/11/2024 | 06:23 GMT+7

Mô hình BIOGAS VACVINA cho các hộ chăn nuôi vừa và nhỏ

10/06/2013

Hệ thống BIOGAS - VACVINA do Trung tâm phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) nghiên cứu và triển khai,

43de2401d_anh.gifBiogas hay còn gọi là khí sinh học. Hệ thống này làm nhiệm vụ chủ yếu là biến phân gia súc thành khí, khí này có thể dùng để đun nấu (như bếp gas), có thể dùng để đốt đèn (như đèn măng xông) hoặc chạy máy nổ, máy phát điện. Hệ thống biogas gồm có hầm/ bể chứa phân gia súc và các phụ kiện khác.

Hệ thống BIOGAS - VACVINA do Trung tâm phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) nghiên cứu và triển khai, kế thừa và phát huy được những ưu điểm của các loại hầm biogas khác, như “hầm KSH dạng nắp vòm”, “hầm KSH sử dụng túi ủ bằng nilông”, “bể phốt tự hoại”, đồng thời khắc phục được những nhược điểm cơ bản của các loại trên như đóng váng và giảm hiệu suất gas sau một vài năm sử dụng.

BIOGAS-VACVINA đã được Hội đồng Khoa học (Bộ NN-PTNT) đánh giá và thẩm định từ nhiều năm nay, được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ra quyết định công nhận tiến bộ kỹ thuật và cho phép nhân rộng mô hình Biogas VACVINA trong toàn quốc. Rất nhiều tổ chức trong và ngoài mạng CIFPEN đã áp dụng mô hình này.

Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) đã phối hợp với Hội Làm vườn các tỉnh đã xây dựng được gần 10.000 hầm do các hộ tự đầu tư 100% kinh phí để xây dựng.

Điển hình như Hội Làm vườn Thanh Hóa, dựa vào Tổ chức Hội Làm vườn cấp xã, đã xây dựng 20 đơn vị cung cấp dịch vụ và xây dựng hệ thống biogas của gia đình các hội viên. Sau khi thành thạo công việc xây dựng và kỹ năng tiếp thị, các đơn vị này triển khai đầu tiên ở xã mình, sau đó sang các xã khác, huyện khác để hành nghề. Đến nay trên địa bàn tỉnh, theo chương trình của CCRD và Hội Làm vườn đã làm được 1.320 hầm (trong chương trình: 881 hầm, người dân tự xây 439 hầm).

Phong trào xây hệ thống biogas không chỉ triển khai trong các đơn vị của Hội Làm vườn các tỉnh mà còn được các tổ chức khác tham gia như Trung tâm Y tế Công cộng và Phát triển cộng đồng (CEPHAD) triển khai tại tỉnh Cao Bằng, chỉ trong một thời gian ngắn dự án đã hỗ trợ cho 25 hộ gia đình để xây dựng hầm Biogas, ở Thị trấn nước Hai và xã Hưng Đạo.

Mô hình biogas VACVINA cũng đã bắt đầu được Căm-pu-chia, Cộng hoà Kenya và Cộng hoà Tanzania áp dụng. Hiện Trung tâm phát triển cộng đồng nông thôn vẫn tiếp tục cộng tác cùng với Hội Làm vườn các tỉnh Trung tâm Y tế Công cộng và Phát triển cộng đồng (CEPHAD) tuyên truyền để nâng cao nhận thức, năng lực cho cộng đồng, qua tổ chức tập huấn chuyển giao công nghệ, kết hợp xây dựng các mô hình Biogas trình diễn, để nhân dân “mắt thấy-tai nghe” tham quan, học tập và làm theo, thúc đẩy phong trào xây dựng hệ thống Biogas phục vụ phát triển chăn nuôi gia đình, đảm bảo vệ sinh môi trường sống.

Để hệ thống Biogas hoạt động có hiệu quả cao, hộ gia đình cần có các điều kiện: thường nuôi ít nhất 5-7 con lợn thịt, hoặc 2-3 con trâu bò (để đủ phân cho hầm hoạt động).Có thể xây hầm Biogas ngầm bên dưới nhà xí, hoặc dưới chuồng nuôi lợn, nuôi trâu bò. Hầm Biogas có thể xây trước rồi mới làm chuồng chăn nuôi hoặc xây sau khi chuồng trại đã làm đều được.Tiền vốn đầu tư cho loại hầm này là thấp nhất trong các loại hầm phổ biến hiện nay,(khoảng từ 3- 4 triệu đồng cho hầm 7- 8 m3) tùy theo giá vật liệu ở mỗi địa phương và thể tích của hầm chứa nhưng sử dụng được từ 20 đến 30 năm. Ở các vùng trung du và miền núi, sử dụng Biogas để đun nấu sẽ giảm được thời gian và công sức đi kiếm củi đun, giảm lượng phát thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thúy Hằng