Một trong những cách làm hiệu quả để nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là của thanh thiếu niên về bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) là đưa nội dung này vào trong các trường học. Cách làm này thời gian qua đã tỏ ra hiệu quả rõ rệt.
Học sinh hào hứng
Tại trường tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), học sinh được học cách tái sử dụng những sản phẩm bỏ đi, cụ thể là tham gia chương trình đổi sách cũ lấy bóng đèn compact tiết kiệm điện. Đây là một trong những ngôi trường đi đầu cả nước trong việc giáo dục ý thức BVMT cho học sinh. Từ cuối năm 2012, nhà trường đã khởi động chương trình “Nâng cao nhận thức của học sinh tiểu học về BĐKH và Tiết kiệm năng lượng” do bộ tài nguyên và môi trường (TNMT) tổ chức, nhằm hướng dẫn các em thói quen sử dụng năng lượng hiệu quả trong học tập và cuộc sống.
Hướng dẫn làm đồ tái chế tại trường Tiểu học Khương Thượng (Hà Nội).
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng nhà trường trực tiếp kêu gọi học sinh BVMT, chống BĐKH từ những việc làm nhỏ như đổ rác vào thùng, tiết kiệm điện, đi xe đạp, không sử dụng túi nilon, dùng lại vở cũ làm nháp... Trong chiến dịch Giờ Trái đất vừa qua, học sinh trường Đoàn Thị Điểm cũng đã tích cực tham gia. Mỗi học sinh đều tự tay vẽ một bức tranh để kêu gọi mọi người BVMT.
Hiện nay, khối lượng bài giảng trong các cấp học đều rất lớn. Tuy nhiên, nếu khéo léo đưa nội dung giáo dục BVMT vào các bài giảng thông qua chính các môn học hiện có hay các bài giảng ngoại khóa thì học sinh không những không thấy áp lực mà còn hào hứng học. Bởi thực tế, những nội dung giáo dục môi trường rất thiết thực và gắn bó trực tiếp với đời sống các em. Các em sẽ hiểu được ứng phó với BĐKH không phải là điều gì quá to lớn, xa vời mà chỉ đơn giản là những hành động BVMT.
Chương trình “Nâng cao nhận thức của học sinh tiểu học về BĐKH và Tiết kiệm năng lượng” của Bộ TNMT được triển khai tại 10 trường với số học sinh tham gia dự kiến là 6.000 em. Hiện nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ giảng viên cốt cán để triển khai đưa các nội dung ứng phó với BĐKH vào chương trình giáo dục ĐH giai đoạn đến năm 2015.
Đa dạng hình thức bài giảng
Để học sinh chủ động tham gia vào các bài học về môi trường, bộ GD - ĐT đã phối hợp với Hội đồng Anh thực hiện dự án thí điểm đưa BĐKH vào trường học qua các hoạt động ngoại khóa, các tài liệu trực quan, sinh động và các ví dụ thực tế. Theo đó, có 12 đề án khả thi và sáng tạo nhất đã được tài trợ kinh phí và hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện trong năm học 2012 - 2013. Việc làm này tạo điều kiện cho hàng ngàn học sinh nâng cao nhận thức ứng phó với BĐKH.
Một
trong những nội dung chủ yếu của Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó
với BĐKH giai đoạn 2012 - 2015 là phổ biến, tuyên truyền nâng cao kiến thức
cơ bản về BĐKH, tác động của BĐKH cho 75% số học sinh, sinh viên và 50% cộng
đồng dân cư. Theo chương trình này, Bộ TNMT sẽ phối hợp với Bộ GD - ĐT xây
dựng chương trình về BĐKH trong chương trình giáo dục, đào tạo các cấp.
|
Ông Lê Trọng Hùng, phó
vụ trưởng vụ Khoa học công nghệ và môi trường, bộ GD - ĐT cho biết: “Việt Nam
được xác định là một trong năm nước chịu tác động nặng nề do BĐKH gây nên. Bộ
đã đưa ra nhiều chương trình để nâng cao nhận thức cho học sinh. Qua hơn 5
tháng triển khai, chúng tôi nhận thấy các em học sinh rất tích cực tham gia”.
GS.TS Trần Đức Tuấn,
trung tâm nghiên cứu và Hỗ trợ giáo dục vì sự phát triển bền vững (ĐH Sư phạm
Hà Nội) cho rằng, giáo dục BĐKH là một trong những nội dung của giáo dục vì sự
phát triển bền vững. Việc lồng ghép nội dung này vào các môn học ở trường phổ
thông như địa lý, công nghệ, kỹ thuật nông nghiệp chính là giải pháp hữu hiệu
để thay đổi nhận thức của học sinh, hướng thế hệ trẻ trở thành các công dân
toàn cầu, nỗ lực hành động chống BĐKH.
Việt Nam hiện chưa có giáo trình chính thức giảng dạy về BĐKH tại các trường phổ thông nên việc đưa BĐKH vào chương trình học theo hình thức vừa giảng dạy vừa vui chơi tìm hiểu sẽ làm tăng hiệu quả giáo dục. Khi lồng ghép, cần có những biện pháp cụ thể giúp các em tiếp thu một cách dễ dàng, tránh tình trạng giáo viên xem đây là môn học chính thống, học sinh học trong tâm lý bắt buộc.
Thúy Hằng