Thứ bảy, 23/11/2024 | 03:27 GMT+7

Toàn dân tận dụng nước mưa sẽ tiết kiệm hàng tỷ USD

13/05/2013

Nếu mỗi hộ dân ở miền núi, hải đảo, vùng ngập mặn và hàng triệu người dân ở thành phố tận dụng tối đa nguồn nước mưa để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày thì có thể tiết kiệm được hàng tỷ USD đầu tư cho cấp thoát nước, lại vừa chống ngập cho thành phố.

Nếu mỗi hộ dân ở miền núi, hải đảo, vùng ngập mặn và hàng triệu người dân ở thành phố tận dụng tối đa nguồn nước mưa để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày thì có thể tiết kiệm được hàng tỷ USD đầu tư cho cấp thoát nước, lại vừa chống ngập cho thành phố.
Mỗi năm khi bước vào mùa khô, cả nước ta lại phải đối mặt với nạn thiếu nước, thiếu điện, đặc biệt là trên miền núi, ngoài hải đảo và những vùng ngập mặn. Những nơi như đảo Lý Sơn người dân phải tiết kiệm từng giọt nước, cũng như những người lính đảo ở Trường Sa và nhà giàn DK phải tiết kiệm từng chậu nước tắm xong để tưới rau. Ở những vùng ngập mặn như Cà Mau một mét khối nước có khi lên tới cả triệu đồng hay vùng Tây Nguyên, Tây Bắc cũng cạn kiệt nước cho sinh hoạt và cây trồng.

b659b6f57_in.jpg

Một người phụ nữ châu Phi dùng túi tích trữ nước mưa. 

Việt Nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong thế kỷ này. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên càng ngày càng lớn, làm thiệt hại của đất nước hàng tỷ đô la mỗi năm, ước tính đến 5% GDP hàng năm. Nhưng Việt Nam cũng là một trong những nước được thiên nhiên ưu đãi với tiềm năng đứng hàng đầu châu Á về nắng, mưa, gió. Trong đó nguồn nước mưa khá dồi dào, trung bình từ 1500mm tới 2000mm/m2 một năm.

Cách đây gần 20 năm, nước Nhật đã tổ chức hội nghị quốc tế về sử dụng nước mưa để cứu trái đất tại thành phố Sumida, Tokyo. Và họ đã rất thành công với 100 phương pháp sử dụng nước mưa để chống thiếu nước, chống nóng và giảm ngập lụt cho các thành phố. Họ đã đưa ra lý thuyết về sử dụng nước mưa là trách nhiệm của toàn thế giới gắn liền với “Phát triển bền vững” từ những năm 1994. Lẽ ra chúng ta phải học được bài học này từ hàng chục năm nay. Nhưng chúng ta chưa học được gì nhiều từ những giải pháp rất thông minh của các nước, mà mới chỉ nghiên cứu đến việc xây giếng để đưa nước mưa ngấm xuống tầng nước ngầm.

Biện pháp sử dụng túi đựng nước mưa từng được thử nghiệm ở Việt Nam cách đây vài năm nhưng hiện vẫn chưa được triển khai một cách rộng rãi. Việc sử dụng túi đựng nước là giải pháp rất tiện lợi cho việc chứa nước mưa tại các vùng biển đảo, miền núi, vùng ngập mặn và các thành phố để tiết kiệm nước. Trong khi chi phí đầu tư lại rất thấp.

Đối với một hộ gia đình nghèo ở Việt Nam mức chi phí khoảng 1 triệu đồng cho một túi đựng nước mưa 1m3 kèm theo bộ lọc gốm sứ là có thể vừa sử dụng nước mưa để sinh hoạt và ăn uống. Mỗi tháng mùa mưa đã có thể tiết kiệm được khoảng 15m3 nước và thu hồi vốn sau một mùa mưa 6 tháng. Còn tại các thành phố nếu hàng triệu hộ dân cùng sử dụng nước mưa sẽ có những ý nghĩa to lớn như:

1. Giảm thiếu nước cho các thành phố, giảm ngập lụt (đỡ tốn hàng tỷ đô la tiền đầu tư cho cấp nước và thoát nước, giảm hư hỏng cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông, tắc nghẽn giao thông..).

2. Chống nóng cho các thành phố vì sử dụng nước mưa rất mát để tưới cây, giặt, cọ rửa, điều hòa không khí cho các thành phố bị bê tông hóa hấp thụ nhiệt rất nóng (giảm điện cho điều hòa).

3. Giảm hút nước ngầm làm cạn kiệt tầng nước ngầm, tiết kiệm điện cho bơm nước ngầm, bổ sung nước mưa khi sử dụng cho tầng nước ngầm và chống sụt lún thành phố.

4. Nâng cao được nhận thức, ý thức, kiến thức của toàn dân về xây dựng những thành phố văn minh, xanh, sạch khi sử dụng tài nguyên thiên nhiên như nắng, mưa, gió, vừa an toàn vừa tiết kiệm như các nước văn minh đã làm được.

5. Đóng góp phần tiết kiệm đó vào việc giúp đỡ hàng triệu hộ đồng bào nghèo miền núi, biên giới, biển đảo, ngư dân…

Để thực hiện được giải pháp này, nhà nước cùng cần đầu tư hỗ trợ các hộ dân nghèo miền núi, biển đảo, ngư dân, vùng nông thôn, thành phố một hệ thống dự trữ và lọc nước mưa, như đã từng hỗ trợ cho các hộ dân 1 triệu đồng khi mua bộ đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời vừa an toàn không bị điện giật và tiết kiệm điện.

Việc làm này sẽ giải quyết được những vấn nạn về thiếu nước, thiếu điện, ngập lụt, ô nhiễm môi trường vừa tiết kiệm rất lớn tiền đầu tư cho các nhà máy nước và chống ngập lụt vì chi phí hỗ trợ các hộ dân nghèo mua túi đựng nước mưa chưa bằng 1% số tiền đầu tư cho cấp nước và chống ngập lụt, mà hiệu quả thì vô cùng lớn. Người dân sẽ có được ý thức và kiến thức luôn luôn chủ động trong việc sử dụng nước mưa, năng lượng tái tạo trong mọi điều kiện hoàn cảnh của đất nước khi có thiên tai, nhân tai, thảm họa, các nhà máy điện, nước không cung cấp được.

Nhà nước cần sớm đưa vào luật xây dựng về bắt buộc sử dụng nước mưa và tiết kiệm năng lượng như các nước đã làm đối với các công trình xây dựng qui mô lớn như các nhá máy, siêu thị, cao ốc, công viên, sân bay… sẽ mang lại một hiệu quả to lớn từ việc tiết kiệm này. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm hãy bắt tay ngay vào những việc này vì chúng ta đã quá lãng phí và đang rất có lỗi với đất nước và tương lai khi hàng ngày nắng, mưa, gió là tài nguyên tái tạo của đất nước đang không được sử dụng bị bỏ phí. Trong khi đó, việc khai thác vốn tự có của đất nước là tài nguyên không tái tạo vừa gây cạn kiệt đất mẹ mà lại làm ô nhiễm môi trường.

Hãy huy động toàn dân cùng giữ nước mưa và sản xuất điện từ năng lượng tái tạo, mà các nước Thái Lan, Nhật, Đức... đã làm được .

Thúy Hằng