Thứ bảy, 23/11/2024 | 12:34 GMT+7

Hiệu quả từ việc xây dựng mô hình cung cấp năng lượng tái tạo ở Vĩnh Phúc

16/04/2013

Năng lượng là yếu tố cần thiết cho sản xuất, sinh hoạt và hầu hết các hoạt động của con người.

Năng lượng là yếu tố cần thiết cho sản xuất, sinh hoạt và hầu hết các hoạt động của con người. Do nhu cầu sử dụng năng lượng của con người ngày càng tăng, nguồn năng lượng hoá thạch ngày càng cạn kiệt, khí hậu trái đất ấm dần lên đang là mối đe doạ đối với con người. Để đối phó với tình trạng trên, hầu hết các quốc gia trên thế giới và khu vực đều tích cực triển khai nhiều hoạt động tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo, khai thác nguồn năng lượng mặt trời, Biomass, địa nhiệt, thủy điện nhỏ…

Với địa hình chia làm 3 vùng: rừng núi, trung du, đồng bằng và điều kiện tự nhiên phong phú về đất đai, rừng, núi, sông, suối, đầm, hồ… cũng như điều kiện khí tượng thuỷ văn thuận lợi, Vĩnh Phúc là một tỉnh có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, gió, thủy năng, Biogas, Biomass - Năng lượng sinh khối Biomass là vật liệu sinh học được lấy từ cơ thể sinh vật, hay vừa mới tồn tại trong cơ thể sinh vật - chất thải).

c5270bc76_img_2374.jpg

Tổ hợp công trình năng lượng tái tạo tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc

Về năng lượng mặt trời, Vĩnh Phúc có diện tích tự nhiên là 1.236,5 km2 với số giờ nắng từ 1.400-1.800 giờ/ năm; cường độ bức xạ mặt trời cao nên tiềm năng năng lượng mặt trời rất lớn. Về năng lượng Biogas, tỉnh có khoảng 700 nghìn con trâu bò, lợn cung cấp trên 16 triệu m3 khí Biogas. Về xây dựng thủy điện nhỏ, lượng mưa hàng năm đo được lên tới 1.600 mm, với hệ thống 3 con sông lớn chảy qua tỉnh và nhiều sông, ngòi, suối nhỏ khác tạo điều kiện cho việc xây dựng phát triển các công trình thủy điện nhỏ quy mô gia đình...  

Nhận thấy Vĩnh Phúc có nhiều khả năng phát triển mô hình năng lượng tái tạo, trong năm 2010, Viện Khoa học năng lượng đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công mô hình trên một số địa bàn của tỉnh. Trong quá trình thu thập các dữ liệu về tình hình cung cấp và sử dụng năng lượng tái tạo, nhóm nghiên cứu của Viện Năng lượng đã xác định sơ bộ các bản làng, điểm văn hóa xã, điểm du lịch xa lưới điện của tỉnh Vĩnh Phúc có các tiêu chí lựa chọn phù hợp. Qua đó, đưa ra 3 địa điểm có khả năng xây dựng mô hình năng lượng tái tạo bao gồm xã Ngọc Thanh (thị xã Phúc Yên), khu du lịch Tây Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo), xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo). Sau khi nghiên cứu tính toán, đánh giá lý thuyết, nhóm nghiên cứu đã tiến hành triển khai xây dựng, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời tại khu vực Trung tâm văn hóa của đội Lâm trường xã Đạo Trù. Với sự phối hợp giữa nhóm thực hiện đề tài và các đoàn thể, chính quyền nhân dân đội Lâm trường đã triển khai xây dựng thành công mô hình hệ thống đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời công suất 160 Wp cho Trung tâm văn hóa của Đội. Hiện tại, hệ thống đèn chiếu sáng dùng năng lượng mặt trời đã đi vào hoạt động ổn định, phục vụ chiếu sáng điểm văn hóa công cộng của Đội. Đây là nguồn điện có chất lượng điện áp ổn định, phục vụ chiếu sáng điểm văn hóa công cộng, các cuộc họp dân, họp thanh thiếu nhi và đặc biệt có ý nghĩa khi trong Đội có việc hiếu, hỷ. Đây cũng là nguồn điện quý hiếm phục vụ việc nạp pin các thiết bị liên lạc như điện thoại di động, điện thoại cố định không dây.
Song song với đó, nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành xây dựng hầm Biogas composite quy mô 8 m3 tại hộ gia đình ông Trần Xuân Trường thuộc đội Lâm trường xã Đạo Trù nhằm tận dụng nguồn phân và rác thải chăn nuôi hiện có tại gia đình, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngay sau khi nghiệm thu, hướng dẫn kỹ thuật, nhóm thực hiện bàn giao hầm Biogas cho hộ gia đình ông Trần Xuân Trường sử dụng và bảo quản. Kết quả theo dõi vận hành bước đầu cho cho kết quả rất tốt.

Đề tài cũng đã khảo sát, thiết kế và lựa chọn giải pháp thủy điện nhỏ cho khu vực du lịch Tây Thiên. Nhóm nghiên cứu thiết kế và lựa chọn giải pháp cấp nước cho tua bin bằng đường ống, đi ven bờ suối, được gá đỡ bởi các trụ bê tông, với tổng chiều dài tuyến đường ống gần 100 m đã đem lại nguồn điện sinh hoạt ổn định cho các hộ dân tại khu du lịch. Đến tháng 10 năm 2012, toàn bộ hệ thống các công trình gồm: mô hình sử dụng năng lượng mặt trời, mô hình sử dụng năng lượng Biogas và mô hình máy thủy điện nhỏ đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng; kết quả kiểm tra, đánh giá là hoạt động ổn định, cơ bản đảm bảo các yêu cầu, mục tiêu đề ra.

Đại diện cơ quan quản lý đề tài, Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc đánh giá cao hiệu quả của cụm công trình năng lượng tái tạo trong việc đảm bảo nguồn năng lượng sạch cho sản xuất và đời sống của bà con nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong tỉnh. Đồng thời, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đề nghị Viện Khoa học năng lượng tiếp tục hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng kỹ thuật hệ thống các công trình nói trên; tiếp tục đánh giá tiềm năng, đề xuất giải pháp cho tỉnh nhằm khai thác các dạng năng lượng tái tạo nhằm phục vụ cho nhân dân ở những nơi hiện điện lưới chưa cung cấp đến.

Việc khai thác các nguồn năng lượng tại chỗ, đặc biệt các nguồn năng lượng tái tạo là việc làm đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, đang được Nhà nước quan tâm, khuyến khích. Kết quả triển khai mô hình năng lượng tái tạo tại vùng sâu, vùng xa lưới điện tại xã Đạo Trù đã mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế, xã hội. Việc xây dựng thành công các mô hình năng lượng tái tạo ở đây sẽ là mô hình thí điểm, là cơ sở để nhân rộng ra một số địa điểm có tiềm năng về năng lượng tái tạo tương tự  trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Thúy Hằng