Thứ bảy, 23/11/2024 | 01:08 GMT+7

Khánh thành nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới

28/03/2013

Nhờ vĩ độ thấp và ít ngày trong năm có mây, nên Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là một nơi lí tưởng để khai thác năng lượng mặt trời.

Nhờ vĩ độ thấp và ít ngày trong năm có mây, nên Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là một nơi lí tưởng để khai thác năng lượng mặt trời. Vì thế, chẳng có gì bất ngờ khi thấy nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới lại nằm ở đất nước Trung Đông ngập nắng này. Chính thức khánh thành trong tuần này, nhà máy Shams 1 có công suất 100 MW sẽ cấp điện cho 20.000 hộ gia đình ở UAE.

c0d1a7878_shams1csp.jpg

Nhà máy Shams 1 có diện tích 2,5 km2

Việc triển khai xây dựng Shams 1 (tiếng Arab nghĩa là mặt trời) đã bắt đầu vào nửa cuối năm 2010 tại địa phương cách Abu Dhabi chừng 120 km về hướng tây bắc. Nhà máy điện có diện tích 2,5 km2 với 250.000 tấm gương gắn trên 768 bộ thu hình chão parabol. Các gương parabol tập trung ánh sáng mặt trời lên những cái ống chứa đầy dầu để làm nóng nước và tạo ra hơi nước sau đó làm quay tuabin. Vì nằm ở giữa sa mạc, nên nhà máy có một hệ thống làm lạnh khô để giảm lượng nước tiêu thụ.
8ddc6a475_shams1csp2.jpg

Shams 1 có công suất 100 MW

Chi phí xây dựng khoảng 595 triệu USD, Shams 1 là một dự án liên doanh giữa công ti xăng dầu Total của Pháp (20%), công ti Abengoa Solar của Tây Ban Nha (20%), và công ti Masdar của UAE (60%).

Masdar khẳng định Shams sẽ cắt giảm lượng khí thải CO2 của UAE khoảng 175.000 tấn mỗi năm, tương đương với việc trồng 1,5 triệu cây xanh, hay cắt giảm 15.000 xe hơi trên đường phố.

639a7ceb9_shams1csp5.jpg

Shams 1 có tổng cộng 250.000 gương phản xạ parabol

Trong khi Shams 1 có thể khẳng định là nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới hiện đang hoạt động, nhưng vị thế số 1 của nó sẽ không duy trì được lâu. Những nhà máy điện mặt trời có công suất lớn hơn hiện đang được triển khai xây dựng ở Mĩ, Ấn Độ, Morocco, và nhiều nhà máy đã được lên kế hoạch trên khắp thế giới.

 Kim Anh Theo Masdar