Thứ bảy, 23/11/2024 | 02:53 GMT+7

Ca sỹ Tùng Dương hứa sẽ hát cùng các bạn trẻ đạp xe vì Giờ Trái Đất

27/02/2013

Ca sĩ Tùng Dương năm nay tiếp tục đảm nhận vai trò Đại sứ cho chương trình Giờ Trái Đất. Anh hứa rằng nếu có 300 bạn trẻ đăng ký đạp xe ủng hộ cho chiến dịch, anh sẽ cùng các bạn học hát trong một buổi.

Ca sĩ Tùng Dương năm nay tiếp tục đảm nhận vai trò Đại sứ cho chương trình Giờ Trái Đất. Anh hứa rằng nếu có 300 bạn trẻ đăng ký đạp xe ủng hộ cho chiến dịch, anh sẽ cùng các bạn học hát trong một buổi.

Chào anh Tùng Dương, được biết năm nay anh tiếp tục đảm nhiệm vai trò Đại sứ cho chiến dịch Giờ Trái Đất. Lý do tại sao anh quyết định gắn bó với chương trình dù rất bận rộn?

Tôi coi chiến dịch Giờ Trái Đất như một cuộc chiến vậy, cuộc chiến để bảo vệ môi trường. Môi trường là của chung vì vậy nó cũng là cuộc chiến của tôi và của bạn. Những hoạt động phục vụ cho chương trình đòi hỏi sự sôi nổi, cần có một gương mặt kết nối cộng đồng, khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường của mọi người.

Vì vậy, các nghệ sĩ, những người của công chúng là lựa chọn hàng đầu của ban tổ chức. Giờ Trái Đất không chỉ là chiến dịch của riêng tôi mà là chiến dịch của bất cứ nghệ sĩ nào có tình yêu đối với thiên nhiên, môi trường, có tấm lòng muốn làm việc thiện.

Không chỉ năm nay tiếp tục đóng vai trò Đại sứ mà năm sau nếu vẫn được tin tưởng, tôi sẽ còn tham gia. Ca sĩ không chỉ làm đẹp cho đời bằng giọng hát của anh ta mà còn bằng tấm lòng và thiện tâm của mình. Tôi làm việc này hoàn toàn xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, con người và tấm lòng của một nghệ sĩ. Tôi tự hào với vai trò Đại sứ của mình.
 
73d1a1af9_113.jpg

Tùng Dương trong chiếc áo phông in logo của chiến dịch Giờ Trái Đất

Việc in tờ rơi, băng rôn, áp phích quảng cáo cho các chương trình ca nhạc biểu diễn, việc bắn pháo hoa, pháo giấy trong các chương trình… nếu được sử dụng quá nhiều, tràn lan, bừa bãi sẽ là một sự lãng phí đối với tài nguyên thiên nhiên. Là người trong nghề, anh có ý kiến như thế nào về việc này?

Đối với một chương trình biểu diễn, đó là những công đoạn không thể thiếu, việc gì phải làm thì vẫn làm nhưng cách làm cần đặc biệt chú ý. Phải thực hiện nó với sự chính xác cao nhất. Thay vì in tờ rơi một mặt hãy in hai mặt để tiết kiệm giấy, hãy thiết kế sao để trên một khổ giấy có hạn có thể đưa ra đầy đủ thông tin nhất.

Trước khi in những tờ rơi, băng rôn, áp phích đó, hãy chuốt lại thông tin cho thật kỹ càng, đừng để sai sót xảy ra, in rồi mới phát hiện lỗi, đem đi in lại vừa tốn tiền của, công sức, vừa rất phí phạm lượng giấy, mực in đã dùng một cách vô ích.

Đối với bản thân tôi, trước khi cho ra một đĩa nhạc, tôi xem lại rất kỹ bản in thử bìa đĩa và cuốn booklet nhỏ gắn kèm. Có những nghệ sĩ họ thấy bìa đĩa làm chưa đẹp sẽ sẵn sàng hủy cả số bìa đã in.

Đó là một sự tốn kém rất lớn, cả về tiền bạc và tài nguyên. Họ làm vậy cũng chỉ vì muốn giữ hình ảnh, muốn đưa tới khán giả sản phẩm hoàn mỹ nhất nhưng giá như họ cầu kỳ, kỹ lưỡng từ trước khi những sản phẩm đó được làm ra thì tốt biết bao nhiêu.

e7c510fec_112.jpg

Tùng Dương vẫn thường đạp xe khi không quá bận rộn

Nghệ sĩ đương nhiên có một lượng phục trang biểu diễn rất lớn nhưng họ không thể thường xuyên mặc một bộ phục trang lên sân khấu biểu diễn được, thậm chí có những bộ chỉ mặc một lần là vĩnh viễn không mặc lại nữa, vậy anh làm gì với những bộ phục trang của mình để tránh lãng phí?

Tái sử dụng là cách thông minh nhất, một bộ trang phục hoàn toàn có thể mặc lại lên sân khấu nếu chủ nhân biết cách phối hợp để tạo sự mới mẻ. Ngoài ra, những bộ trang phục thường ngày của tôi nếu không mặc nữa sẽ được dành cho công tác ủng hộ đồng bào nghèo.

Anh sẽ làm gì vào Giờ Trái Đất năm nay?

- Đương nhiên tôi sẽ tắt đèn nhà mình. Nếu mỗi nhà đều làm như vậy thì chương trình này đã đạt được mục đích lớn nhất. Tôi hy vọng cả Hà Nội, cả Việt Nam sẽ cùng gia đình tôi tắt điện trong Giờ Trái Đất.

Cá nhân anh đã làm gì trong cuộc sống thường ngày để bảo vệ môi trường?

Tôi xin chia sẻ rất thật rằng cho tới nay gia đình tôi vẫn sống chung nhiều thế hệ trong một ngôi nhà, khi điều kiện vẫn cho phép thì việc sống tập trung như vậy cũng là một cách tiết kiệm năng lượng đấy.

Cả đại gia đình tôi chỉ dùng chung một chiếc ô tô thôi nhé. Bình thường, ngoại trừ những lúc đi diễn, phải đảm bảo thời gian chính xác, những lúc rảnh rang, đi lại không quá xa, tôi thường lấy xe đạp để đi lại. Trong góc nhà bao giờ cũng dựng xe đạp để ai cần đi đâu mà không quá xa là lại đạp đi.

Đã có hành động tiết kiệm điện nào trong thực tế khiến anh cảm thấy xúc động chưa?

Có nhiều chứ. Nhưng qua quá trình quan sát tôi nhận thấy đáng tiếc những hành động đẹp đó lại chưa xuất phát nhiều từ các bạn trẻ. Đối tượng có ý thức tiết kiệm điện nhất trong xã hội chúng ta hiện nay lại là người già. Tôi không cổ súy cho việc tiết kiệm điện đến mức hà tiện, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống nhưng tiết kiệm đúng cách sẽ giúp hình thành một lối sống văn minh.

Tôi nhìn thấy những cô công nhân vệ sinh môi trường quét dọn đường phố vất vả từ sáng sớm cho tới đêm khuya nên không bao giờ dám vứt rác ra đường hay nhổ bã kẹo cao su ra phố.
 
Ra nước ngoài, thấy nước họ không khí trong lành, môi trường sạch đẹp hơn của ta, tôi chợt nghĩ giá như các bạn trẻ cũng có dịp được đi nhiều, quan sát và so sánh, các bạn ấy hẳn sẽ hành động đẹp hơn, có trách nhiệm hơn.

Vậy anh có nghĩ chúng ta sắp phải tiễn biệt một thế hệ cuối cùng biết tiết kiệm điện, thế hệ đã từng sống qua thời kỳ bao cấp đói kém và cái gì cũng phải dè xẻn?

Thời gian không quay lại, chúng ta không thể nuối tiếc quá khứ để mong “bao giờ cho tới ngày xưa”. Cuộc sống văn minh ngày hôm nay chắc chắn có nhiều tiến bộ vượt bậc so với thời bao cấp.

Vấn đề của chúng ta nằm ở ý thức xã hội. Chúng ta đang trong thời kỳ mở cửa, du nhập nhiều nhưng giới trẻ chưa biết phân loại những du nhập đó một cách thỏa đáng. Khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng xa khiến ngay trong việc sử dụng điện cũng có mâu thuẫn, con cái có thể cho rằng cha mẹ hà tiện, cha mẹ lại cho rằng con cái quá phung phí.

Về cơ bản, giới trẻ bây giờ sống thoáng hơn, thậm chí “thoáng như Tây” nhưng các em có hiểu thực sự cái “như Tây” đó là gì? Là phải tự làm chủ được hành động của mình, chịu trách nhiệm với bản thân mình rồi sau đó có ý thức đối với cộng đồng và xã hội.

Các em được cha mẹ bảo bọc kỹ quá nên nhiều khi mất đi tính tự lập và khả năng tự lãnh trách nhiệm. Các em không phải kiếm tiền trả hóa đơn điện, nước nên không biết xót khi ra khỏi nhà mà quên tắt đèn, tắt quạt.

e6d580b2e_111.jpg

Các bạn hãy cùng đạp xe với Tùng Dương nhé!

Đối với các bạn trẻ chơi game online thâu đêm suốt sáng, máy tính bật cả ngày, anh có ý kiến như thế nào?

Người trẻ là như thế đấy, thái quá là bệnh của người trẻ. Cái nhìn thấu đáo hơn sẽ đến cùng thời gian và sự trải nghiệm. Nhưng các bạn sẽ được chuẩn bị tốt hơn và sớm hơn nếu được hưởng một sự dưỡng dục toàn diện từ gia đình và nhà trường ngay từ nhỏ.

Khi đi đến các trường Đại học, nói chuyện với các bạn trẻ về vấn đề môi trường, tôi không nói về những gì vĩ mô, xa xôi, tôi nói về những việc gần gũi thôi: Các em hãy tắt máy tính khi đi ngủ, đừng download phim ảnh qua đêm. Hãy đi ra ngoài vui chơi, hòa mình vào không gian thiên nhiên, học hỏi từ cuộc sống thực tế, đừng chỉ biết tới mỗi thế giới ảo, laptop, 3G… Hãy tắt bớt chúng đi để hiểu hơn về cuộc sống.

Năm ngoái, tôi đã tới 8 trường Đại học để nói chuyện với các bạn sinh viên về vấn đề môi trường, năm nay tôi sẽ tới 10 trường và tôi hứa rằng nếu có 300 bạn sinh viên đăng ký đạp xe bảo vệ môi trường trong 2 ngày 10 và 17/3 để ủng hộ cho chiến dịch Giờ Trái Đất, tôi sẽ cùng các bạn học hát tại tượng đài Lý Thái Tổ trong một buổi.

Theo Dân Trí