Chủ nhật, 24/11/2024 | 19:47 GMT+7

Bản đồ thế giới về năng lượng tái tạo lần đầu được ra mắt

22/01/2013

Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA) đã giới thiệu tập bản đồ về năng lượng tái tạo đầu tiên trên thế giới, cung cấp những thông tin mở về tiềm năng năng lượng tái tạo của các quốc gia.

Hôm chủ nhật vừa rồi, Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA) đã giới thiệu tập bản đồ về năng lượng tái tạo đầu tiên trên thế giới, cung cấp những thông tin mở về tiềm năng năng lượng tái tạo của các quốc gia.

IRENA cho biết: “Tập bản đồ thế giới này là sáng kiến lớn giúp các quốc gia đánh giá được tiềm năng năng lượng tái tạo của mình, kết hợp dữ liệu và các bản đồ từ những viện công nghệ hàng đầu và các công ty tư nhân trên toàn thế giới”.

bb79752e9_ban_do.jpg

Cơ quan này giới thiệu về tấm bản đồ khi tổ chức hội nghị hàng năm ở Abu Dhabi. IRENA cho biết: “Hiện tấm bản đồ có thông tin về các nguồn năng lượng gió và mặt trời, và sẽ mở rộng sang các nguồn năng lượng khác vào năm 2013 và 2014”.

Theo IRENA, tấm bản đồ cũng sẽ giúp các công ty tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các thị trường mới. Ông Martin Lidegaard, Bộ trưởng bộ Năng lượng và Khí hậu của Đan Mạch phát biểu: “Trong thập kỷ tới, chúng tôi hi vọng sẽ có một sự tăng lên đáng kể về đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tấm bản đồ thế giới này sẽ giúp chúng ta đưa ra những quyết định đúng đắn.”

Giám đốc IRENA, Adnan Amin cho biết tới năm 2014, tấm bản đồ sẽ có thong tin về năng lượng sinh học, năng lượng địa nhiệt và năng lượng biển. Ông nói: “Tấm bản đồ thế giới này sẽ là một công cụ hữu ích trong những nỗ lực quốc tế nhằm tăng gấp đôi tỷ lệ năng lượng tái tạo trên thế giới vào năm 2030 tới mức khoảng 30% tổng năng lượng sử dụng trên toàn cầu”.

37 quốc gia đã cung cấp những thông tin về tiềm năng năng lượng tái tạo của mình cho việc xây dựng tấm bản đồ.
Năm 2011, IRENA được thành lập bởi 159 quốc gia và Liên minh châu Âu nhằm thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Các hội nghị của Cơ quan này đang diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Bền vững Abu Dhabi (Abu Dhabi Sustainability Week) trong đó có Hội nghị thượng đỉnh về Năng lượng tương lai và Hội nghị Năng lượng tái tạo quốc tế.

Kim Anh (http://phys.org/  )