Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:25 GMT+7

Bể nước nóng thân thiện với môi trường

04/01/2013

Bể nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời do ông Ngô Quốc Tuấn, thôn Tân Thành, xã Đa Mai (TP Bắc Giang) tự thiết kế

Bể nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời do ông Ngô Quốc Tuấn, thôn Tân Thành, xã Đa Mai (TP Bắc Giang) tự thiết kế, lắp đặt có nhiều ưu điểm như: Giá thành rẻ, an toàn và thân thiện với môi trường.

b40fb302c_103445_33.jpg

Bể nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời của gia đình ông Tuấn.

Đến thăm gia đình ông Tuấn vào một ngày trời lạnh, mưa lất phất nhưng khi rửa tay bằng vòi nước dẫn từ bể xuống vẫn ấm khiến chúng tôi ngỡ đây là nước bình nóng lạnh chạy bằng điện. Dẫn khách tham quan bể nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, ông Tuấn chia sẻ về quá trình thiết kế hệ thống này. Đã không ít lần, ông đi đường gặp trời mưa, khi về đến nhà thì người ướt sũng, trời lại lạnh mà nước trong phích đều hết. Muốn có nước ấm sử dụng phải nhóm bếp, đun nước mất khá nhiều thời gian. Hơn nữa, nhu cầu sử dụng nước nóng trong mùa đông của cả gia đình ông cũng rất lớn. Thế là ông nung nấu ý định làm bể nước nóng mà không phải sử dụng điện.

Vốn là người sửa chữa thiết bị điện, hằng ngày tiếp xúc với tụ điện, thấu kính… ông hiểu được nguyên lý tạo ra từ trường, điện trường và nhiệt. Đặc biệt, ông nhận thấy, tấm kính có thể hấp thụ và giữ nhiệt nếu biết lắp đặt đúng cách. Xuất phát từ ý tưởng đó, ông đến cửa hàng kính và mua một số tấm về lắp đặt thành một chiếc bể dùng năng lượng mặt trời làm nóng nước.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sau một tháng, ông đã thành công. Bể dài 1,2 m, cao 20 cm với dung tích khoảng 200 lít. Nắp bể được làm bằng hai lớp kính cách nhau 2cm. Tấm kính ở đáy bể và thành bể có màu đen dày 1 cm, các tấm kính được gắn với nhau bằng keo dán. Tổng chi phí cho một bể khoảng 500 nghìn đồng. Bể được đặt trên đỉnh trần nhà tắm có một lớp xốp dày 10 cm.

Ông Tuấn cho biết, quan trọng nhất là sao cho bể tiếp xúc với ánh sáng nhiều nhất, dung tích khoảng 200 lít là phù hợp. Ưu điểm của bể nước này là không tốn điện, chỉ cần trời quang mây, hửng nắng trong thời gian ngắn là nước đã nóng và nhất là khả năng giữ nhiệt của bể khá lâu (từ 2 đến 3 ngày). Nhờ đó, nhiều năm nay gia đình ông Tuấn có nước nóng sử dụng hằng ngày mà không cần bình nóng lạnh chạy điện.

Thúy Hằng