Thứ tư, 24/04/2024 | 05:53 GMT+7

Hệ thống năng lượng và vấn đề an ninh năng lượng của Việt Nam

24/11/2012

Sự hình thành và phát triển của hệ thống năng lượng Việt Nam (HTNL) trong thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đã bộc lộ một số điểm yếu có thể ảnh hưởng, thậm chí đe dọa đến an ninh năng lượng quốc gia (ANNL).

Sự hình thành và phát triển của hệ thống năng lượng Việt Nam (HTNL) trong thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đã bộc lộ một số điểm yếu có thể ảnh hưởng, thậm chí đe dọa đến an ninh năng lượng quốc gia (ANNL).

81f6fb9f1_bieu_do_1.jpg

I. Một số vấn đề an ninh năng lượng của Việt Nam

2.1 Về công nghệ

Thiết bị công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp so với các nước trong khu vực. Đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đặc biệt là thiết bị công nghệ sản xuất và tiêu thụ năng lượng còn nhiều hạn chế nên phần lớn phải phụ thuộc vào thiết bị công nghệ từ nước ngoài. Đầu tư nâng cấp các cơ sở năng lượng và phát triển các công nghệ năng lượng trình độ cao (năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng…) rất hạn chế, thiếu cơ chế hợp lý dẫn đến chi phí đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ năng lượng còn cao, không đủ khả năng cạnh tranh.

2.2 Về cân bằng năng lượng

Từ số liệu phát triển nguồn điện có thể thấy rằng, cơ cấu nguồn điện của HTĐ Việt Nam đã bị mất cân đối. Hiện nay, nguồn thủy điện chiếm tỉ trọng lớn (chiểm khoảng 38%) nên trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay đã liên tục gây ra tình trạng thiếu điện vào mùa khô, đặc biệt những năm ít nước dẫn đến các nhà máy nhiệt điện than phải vận hành quá tải dẫn đến giảm tuổi thọ của thiết bị… Vấn đề này chưa thể khắc phục trong khoảng 3 đến 5 năm tới.

Giai đoạn sau năm 2020-2030 thì bức tranh ngược lại là tỷ trọng nguồn nhiệt điện than tăng quá nhanh (nhiệt điện than năm 2020 chiếm tới 48% và tới năm 2030 là 51,6%) trong khi đầu tư khai thác than bị hạn chế dẫn đến phải nhập khẩu. Việc nhập khẩu than còn khó khăn cả về nguồn và giá. Đây là yếu tố cần được chú trọng, vì nó có ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng quốc gia.

Một số vấn đề cần quan tâm trong nghiên cứu ANNL là sự phát triển cân đối nguồn phụ tải ở giữa các miền: Bắc, Trung, Nam. Với đặc thù 3 trung tâm phụ tải của 3 miền cách xa nhau trong khi nguồn năng lượng sơ cấp của các miền lại khác nhau (thủy điện chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung, nguồn than chủ yếu ở miền Bắc, nguồn dầu khí chủ yếu ở miền Nam) nên sự phát triển không hợp lý giữa các nguồn và các phân ngành ở mỗi vùng có thể tăng đáng kể tổng chi phí của HTNL và sự ổn định tin cậy trong quá trình vận hành.

2.3 Một số mối đe dọa liên quan đế dự phòng và dự trữ

Theo quy hoạch phát triển ngành dầu khí, Việt Nam đã xây dựng các kho dự trữ quốc gia về xăng, dầu, khí. Tuy nhiên, khối lượng dự trữ nguồn xăng, khí, dầu thô chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu ngắn hạn. Yếu tố dự trữ dài hạn, mang tính quyết định là dự trữ thương mại đó là khả năng tiếp cận được các nguồn năng lượng có khả năng cung cấp dài hạn, có độ tin cậy cao, giá thành hợp lý thì Việt Nam chưa có một chiến lược và chính sách cụ thể rõ ràng. Ngoài ra, việc đầu tư thăm dò và khai thác dầu khí ngày càng khó khăn do phải triển khai ở vùng nước sâu đòi hỏi chi phí đầu tư và bảo vệ cao.

Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, các dự án phát triển nguồn điện thường chậm tiến độ, công suất dự phòng của hệ thống bấp bênh, có thời điểm gần như không có. Khi có sự cố đã phải sa thải phụ tải hàng loạt làm thiệt hại đáng kể đến các ngành kinh tế và gia tăng tổng chi phí xã hội.

2.4 Các mối đe dọa liên quan đến kinh tế tài chính

Khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề cung cấp năng lượng dẫn đến hệ số đàn hồi năng lượng cao. Hơn nữa là nước phát triển, nên nhu cầu vốn rất lớn, trong khi khả năng huy động bị hạn chế. Việc thiếu vốn đầu tư làm cho các dự án thường xuyên chậm tiến độ, hạn chế khả năng sử dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại, dẫn đến tình trạng khai thác, sử dụng năng lượng kém hiệu quả. Đây cũng chính là nguyên nhân chậm đổi mới công nghệ trong lĩnh vực tiêu thụ năng lượng, làm cho suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm cao. Một số kết quả tính toán cho thấy cường độ năng lượng trong công nghiệp của nước ta cao hơn Thái Lan và Malaysia khoảng 1,5 - 1,7 lần.

Giá năng lượng còn mang tính độc quyền, bao cấp nên cũng nảy sinh nhiều bất cập như: cơ sở khoa học và thực tiễn trong định giá năng lượng chưa được đầu tư nghiên cứu đầy đủ, việc tính giá năng lượng còn thiếu khách quan minh bạch, làm cho giá năng lượng bất hợp lý, việc điều hành giá giật cục, không khuyến khích được các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và làm tăng chi phí sản xuất cũng như giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế.

2.5 Các mối đe dọa liên quan đến quản lý và điều hành

Nhà nước đã hết sức quan tâm đến việc xây dựng chiến lược và chính sách phát triển năng lượng quốc gia. Tháng 10/2007, Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1885/QĐ-TTg.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là: “Bảo đảm an ninh năng lượng Quốc gia, góp phần bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước; khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước; đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học, điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; phát triển nhanh có hiệu quả và bền vững ngành năng lượng đi đôi với bảo vệ môi trường”.

Quan điểm phát triển chủ yếu liên quan đến hệ thống năng lượng quốc gia được đưa ra là: Phát triển năng lượng phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo đi trước một bước với tốc độ cao, bền vững, đồng bộ, đi đôi với đa dạng hóa các nguồn năng lượng và công nghệ tiết kiệm năng lượng...; Phát triển năng lượng quốc gia phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế…; Phát triển đồng bộ và hợp lý hệ thống năng lượng: điện, dầu khí, than, năng lượng mới và tái tạo... Phát triển năng lượng gắn chặt với giữ gìn môi trường sinh thái, đảm bảo thực hiện phát triển năng lượng bền vững.

Tuy nhiên, cho đến nay, sau 5 năm phê duyệt chiến lược, vẫn chưa có công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc gia nào được triển khai, nhằm thực hiện những mực tiêu, quan điểm và nội dung mà chiến lược đưa ra. Chưa có cơ quan nghiên cứu khoa học nào được chính thức giao nhiệm vụ nghiên cứu tổng hợp các nguồn tài nguyên năng lượng, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường để cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chiến lược, chính sách năng lượng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển năng lượng bền vững trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế hiện nay ở nước ta.

Việc chậm triển khai những nghiên cứu nhằm hiện thực hóa chiến lược và chính sách phát triển HTNL đã và đang làm cho HTNL phát triển thiếu đồng bộ, chưa hợp lý giữa các phân ngành về hệ lụy của nó là tổng chi phí đầu tư vào HTNL gia tăng, giá thành năng lượng tăng tác động xấu đến phát triển kinh tế, xã hội; Một hệ lụy nữa không thể không nêu ra, là sự khó khăn và trong nhiều trường hợp sẽ không thể đảm bảo được sự phát triển bền vững. Tài nguyên năng lượng bị khai thác cạn kiệt, ô nhiễm môi trường gia tăng… Và cuối cùng là dẫn đến rủi ro mất ANNL.

II. Kết luận

Từ những nghiên cứu đánh giá về hiện trạng và quy hoạch phát triển HTNL Việt Nam cùng với những nghiên cứu bước đầu về nhận diện các mối đe dọa ANNL nhận thấy cần quan tâm giải quyết một số vấn đề KHCN sau:

Triển khai nghiên cứu các nhiệm vụ đặt ra trong chính sách vĩ mô của Nhà nước đối với quy hoạch, phát triển và vận hành HTNL Quốc gia.

Tăng cường đầu tư cho khoa học, công nghệ trong ngành năng lượng và các ngành kinh tế nhằm khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng. Đặc biệt là với các nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng như năng lượng gió, biomass, mặt trời…

Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng thị trường năng lượng mạnh, minh bạch, định giá năng lượng đúng và hợp lý để khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.

 Theo NangluongVietnam.vn