Thứ sáu, 01/11/2024 | 17:31 GMT+7

Kiến trúc xanh không đồng nghĩa với việc tăng chi phí đầu tư

29/10/2012

Trở lại với câu chuyện áp dụng kiến trúc xanh (KTX) ở Việt Nam. Không ít người vẫn nhầm tưởng KTX xa xỉ, đầu tư cho KTX tốn kém và chỉ dành cho người giàu. Nhưng không hoàn toàn như vậy, với các giải pháp kiến trúc thân thiện với môi trường, Việt Nam đã tiếp cận kiến trúc xanh từ rất sớm.

Trở lại với câu chuyện áp dụng kiến trúc xanh (KTX) ở Việt Nam. Không ít người vẫn nhầm tưởng KTX xa xỉ, đầu tư cho KTX tốn kém và chỉ dành cho người giàu. Nhưng không hoàn toàn như vậy, với các giải pháp kiến trúc thân thiện với môi trường, Việt Nam đã tiếp cận kiến trúc xanh từ rất sớm.


15295b314_6.jpg

Nhà truyền thống thích nghi khí hậu

Theo phân tích của TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên (Viện Kiến trúc Nhiệt đới, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội), nhà ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ (ĐBBB) có mô hình cư trú sinh thái, thích ứng với điều kiện khí hậu. Trải qua nhiều thế kỷ hình thành và phát triển, nhà ở ĐBBB mang lại nhiều bài học quý giá về thích ứng khí hậu. Cụ thể, ĐBBB chủ yếu có địa hình đồng bằng thấp, nguy cơ úng ngập cao vào mùa mưa, do vậy các làng, cụm nhà ở thường bố trí ở những khu đất cao ráo, gần các ao hồ để những khi mưa, thoát nước nhanh. Bao bọc xung quanh làng là những lũy tre xanh, vừa là thành lũy tự nhiên chống trộm, cướp, vừa có tác dụng ngăn gió bão, vừa đem đến nguồn nguyên liệu dồi dào cho việc xây cất nhà cửa. Trật tự tổ chức trong hầu hết các ngôi nhà ĐBBB là vườn trước (hoặc ao) - sân - nhà chính - vườn sau. Nhà chính và nhà ngang đều 1 tầng, bố trí vuông góc với nhau và cùng hướng ra sân. Cách bố trí như vậy mang lại vi khí hậu tốt cho ngôi nhà và tiện lợi trong sinh hoạt. Cả nhà chính và nhà phụ đều đón nhiều gió mát, ánh nắng mặt trời và ngăn được gió lạnh.

Cũng theo nghiên cứu của KTS Nguyên, các không gian bên trong ngôi nhà (trừ buồng của phụ nữ và vợ chồng mới cưới) đều được tổ chức mở linh hoạt, tạo khả năng thông gió, hạn chế ẩm mốc. Hiên là không gian đệm chuyển tiếp giữa trong và ngoài nhà, ngăn không cho mưa hắt và bức xạ chiếu trực tiếp đồng thời là khoảng đệm về nhiệt độ và ánh sáng cho không gian bên trong nhà. Gắn với hiên nhà ở nông thôn ĐBBB là các tấm giại, giúp hạn chế hơi nóng hắt từ sân và điều hòa các luồng gió thổi vào nhà. Toàn mặt đứng ngôi nhà là hệ thống cửa bức bàn, được thiết kế để có thể khép kín vào mùa lạnh, mở rộng hòa nhập hoàn toàn với môi trường vào mùa nóng…

Điều đáng nói là không chỉ kiến trúc truyền thống nông thôn mới chú trọng yếu tố thích nghi với khí hậu, thân thiện với môi trường mà từ những năm 1960 - 1980, ở Việt Nam, mô hình kiến trúc nhiệt đới cũng đã được áp dụng phổ biến ở các đô thị. Theo mô hình này, công trình được thiết kế, xây dựng nhằm khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, tăng cường hiệu quả năng lượng. Đơn cử, như cách sử dụng các tấm che nắng nhằm làm mát, đồng thời đem lại hiệu quả về thông gió tự nhiên.

“Công trình bền vững không làm tăng chi phí”

Tiếc rằng ngày nay, kiến trúc truyền thống ở nông thôn cũng như những giải pháp kiến trúc nhiệt đới đã mai một nhiều. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, những kinh nghiệm dân gian vẫn là những bài học quý giá, là nền móng vững chắc cho việc phát triển KTX trong điều kiện Việt Nam. TS.KTS Nguyễn Tố Lăng (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) nhận định: Phát triển KTX Việt Nam, bên cạnh việc tiếp thu các công nghệ tiên tiến, rất cần quan tâm đến khía cạnh nhân văn, khai thác tối đa các lợi thế của địa phương. KTX Việt Nam cần hướng đến những công nghệ phù hợp với điều kiện khí hậu, kinh tế, xã hội của từng địa phương, tôn trọng nguyên tắc khai thác tối đa các yếu tố tự nhiên, sử dụng các kỹ thuật xây dựng phù hợp.

KTS Hoàng Mạnh Nguyên cũng đề xuất: Hướng tới mô hình KTX hiện đại, quy hoạch và nhà ở vùng ĐBBB cần có những thay đổi về mặt nhận thức trong quản lý phát triển. Nông thôn mới cần được phát triển trên cơ sở kế thừa và khai thác những bài học của truyền thống kết hợp khai thác những kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Chẳng hạn, mật độ dân cư trong các làng cần được kiểm soát, đưa ra các quy mô khuôn viên đất và mật độ xây dựng hợp lý để mỗi ngôi nhà ĐBBB trở thành một đơn vị cân bằng sinh thái riêng, đóng góp cho hệ sinh thái chung của làng. Mô hình vườn - ao - chuồng truyền thống cần được khuyến khích. Nông thôn nên phát triển hệ thống cây xanh theo nguyên tắc truyền thống, đón gió mát, chặn gió lạnh, chống gió bão và tạo thêm nguồn nguyên liệu trong xây dựng và sản xuất. KTS Nguyên nhấn mạnh: Với lợi thế về diện tích ở, nông thôn nên hạn chế xây dựng những ngôi nhà kiểu nhà ống như đô thị. Chất thải và nước thải cần được quản lý kết hợp với các giải pháp kỹ thuật (bioga, phân bón vi sinh…), xử lý trước khi xả thải ra môi trường. Bên cạnh đó, nông thôn cũng cần khuyến khích khai thác và áp dụng các nguồn năng lượng mới như năng lượng mặt trời, năng lượng gió…

Về biện pháp quản lý, theo KTS Nguyên cần sớm ban hành các chính sách quản lý, định hướng quy hoạch, bảo tồn, phát triển kiến trúc nhà ở nông thôn, cần đề xuất ra các mẫu thiết kế tiêu chuẩn cho các loại hình nhà ở nông thôn. Các khu nhà ở nông thôn mới phát triển phải được quy hoạch tổng thể và quản lý xây dựng từ hạ tầng đến kiến trúc công trình…

Cũng đề cập đến các giải pháp kiến trúc hiệu quả năng lượng, KTS Charles Gallavardin (Giám đốc T3 Architeture Asia tại TP.HCM) đưa ra khuyến cáo: Bước đầu tiên của người thiết kế là phải đề xuất được một thiết kế theo nguyên tắc sinh khí hậu, không làm tăng chi phí xây dựng, tiết kiện năng lượng và tiền bạc. Người thiết kế và người xây dựng cần đề xuất đầu tư vào những công nghệ nhằm giảm mức tiêu hao năng lượng. Nguyên tắc cơ bản của kiến trúc sinh khí hậu là tối ưu hướng công trình, chống nắng, thông thoáng tự nhiên, chiếu sáng tự nhiên, sử dụng vật liệu tại chỗ (tới mức tối đa có thể), tăng sử dụng năng lượng tái sinh. Các vấn đề hình khối, phân bổ phòng, vị trí, kích thước cửa hay kết cấu che nắng đều là những yếu tố cơ bản cần được tích hợp vào các dự án, công trình.

Theo Baoxaydung