Thứ bảy, 23/11/2024 | 06:07 GMT+7

Giảm thiểu tác hại môi trường bằng năng lượng tái tạo

03/11/2012

Hiện nay môi trường sinh thái ở vùng nông thôn đang là vấn đề quan tâm nhất bởi những bất lợi và nguy hại đang đe dọa đến cộng đồng.

Hiện nay môi trường sinh thái ở vùng nông thôn đang là vấn đề quan tâm nhất bởi những bất lợi và nguy hại đang đe dọa đến cộng đồng. Trước hết là do tác động của biến đổi khí hậu và những bất cập trong quản lý phân gia súc trong chăn nuôi ở các nông hộ nên nhiều vùng nông thôn đang bị ô nhiễm nặng; các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đã trực tiếp gây ra những tác động xấu về môi trường ở vùng nông thôn. 

Kết quả nghiên cứu của Chương trình phát triển nông thôn bền vững của Thụy Điển tại Việt Nam đã đưa ra khuyến nghị về công tác quản lý rác thải nông nghiệp như phụ phế phẩm, phân gia súc ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam chưa được triển khai tốt. Vấn đề này không những gây nên ô nhiễm môi trường nước và không khí nghiêm trọng mà còn là nguồn phát thải các khí gây ra hiệu ứng nhà kính. 

6bdf12621_0126.jpgcvxghfyu67i76rkcvfgrt756756ifghtr58678.jpg

Xây hầm biogas

Đối với tỉnh Quảng Trị, hoạt động chăn nuôi ở các vùng nông thôn trong mấy năm trở lại đây phát triển tốt. Đặc biệt là các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, chăn nuôi đã trở thành ngành kinh tế chủ lực bên cạnh nông nghiệp mang lại nguồn thu nhập cao cho hàng ngàn hộ dân. Tuy nhiên hầu hết người dân chưa biết cách xử lý các loại rác thải từ hoạt động này. 

Qua điều tra của các ngành chức năng, hiện nay có trên 45% số hộ hoàn toàn không xử lý và quản lý tốt nguồn rác thải chăn nuôi. Phân gia súc gồm trâu, bò và lợn được thải tự do ra vườn, sân nhà hoặc đường đi. Thực trạng này không chỉ gây ô nhiễm môi trường không khí (mùi hôi), nguồn nước sinh hoạt mà còn ảnh hưởng đến cảnh quan của thôn xóm. Đặc biệt một lượng phân gia súc kết hợp nước mưa tạo thành các vũng ao tù rất bẩn hay tập trung ở các con kênh... dẫn đến việc phát sinh các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tiêu chảy, cho cả người và gia súc. 

Do vậy, chiến lược về khí sinh học được coi là một giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng này. Trước hết giải pháp sẽ mang lại lợi ích cho người dân ở khu vực nông thôn, mặt khác có khả năng làm giảm thiểu những tác hại đến môi trường sống. Từ thực tiễn và mục tiêu đó, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN-KN) Quảng Trị đã xây dựng dự án “Năng lượng tái tạo cho cộng đồng nghèo ở vùng nông thôn tỉnh Quảng Trị” với sự trợ giúp của Tổ chức Bắc Âu Việt Nam (NAV). 

Dự án đã thẩm định và được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt tại Quyết định số 885/QĐ- UBND ngày 21/5/2012. Theo đó, Trung tâm KN-KN Quảng Trị và Tổ chức NAV đã thống nhất lựa chọn 4 xã thuộc 3 huyện Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng tham gia dự án và tiến hành phân bổ số lượng bể biogas cho các xã: Gio Mỹ (Gio Linh) 35 bể, Triệu Long (Triệu Phong) 35 bể, Hải Thành, Hải Quế (Hải Lăng) mỗi xã 30 bể. Ngoài ra còn thực hiện 5 hầm thể tích 9 m3 ở 2 hộ và 2 hầm 12 m3 cho một số hộ có nhu cầu. Dự án đã tổ chức tập huấn cho 20 thợ xây ở hai xã Hải Thành và Hải Quế (Hải Lăng) với phương pháp tập huấn tại hiện trường. Các học viên tự xây 2 bể để các học viên học thực hành. Sau khóa tập huấn, đội ngũ này sẽ được đảm nhận xây các công trình khí sinh học tại địa bàn các xã trong khuôn khổ của dự án. 

Trao đổi về mục tiêu tổng thể của dự án, đồng chí Nguyễn Trung Hậu, Giám đốc Trung tâm KN-KN cho biết: “Việc sử dụng công nghệ khí sinh học giúp quản lý phân chuồng, xử lý chất thải một cách hiệu quả và hữu ích hơn từ việc sản xuất ra nguồn năng lượng tái tạo trong quá trình xử lý chất thải. Qua đó khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình nông thôn mở rộng chăn nuôi, phát triển kinh tế nông hộ...” 

Hiệu quả của việc tái tạo chất thải thành nguồn năng lượng khí sinh học nếu sử dụng đúng cách sẽ là loại “phân hữu cơ” sạch và giàu dinh dưỡng giúp nâng cao năng suất, chất lượng rau, quả và cải tạo đất, kiểm soát sâu bệnh. Hiệu quả của dự án sẽ trực tiếp cải thiện môi trường sinh thái ở vùng nông thôn, hạn chế dịch bệnh đồng thời giảm thiểu được nguồn khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra còn góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm các chi phí lao động nội trợ và tạo việc làm cho lao động nông thôn. 

Theo BaoQuangTri