Thứ bảy, 23/11/2024 | 02:58 GMT+7

Biogas ở Việt Nam: Triển vọng trong tầm tay

16/07/2012

Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích các công ty tư nhân Việt Nam và các công ty nước ngoài đầu tư vào năng lượng tái tạo, bao gồm: khí sinh học và năng lượng sinh khối

Chiến lược quốc gia của Chính phủ về Cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường đặt mục tiêu là đến năm 2020 sẽ có khoảng 45% trang trại sử dụng hệ thống quản lý chất thải, đặc biệt là bể biogas để xử lý và quản lý chất thải.

Tương tự như vậy, một lượng lớn rác thải đô thị và rác thải chế biến nông sản, chẳng hạn như đường và sắn cũng chưa được sử dụng đúng mức và cả hai loại chất thải này đều gây ra ô nhiễm nghiêm trọng đối với môi trường và lãng phí tài nguyên. Các công ty cũng đang chịu áp lực mạnh mẽ trong việc phải có hệ thống xử lý chất thải thích hợp.

Cơ hội và tiềm năng

Biogas (Biological Gas) là công nghệ sản xuất khí sinh học, là quá trình ủ phân rác, phân hữu cơ, bùn cống rãnh, để tạo ra nguồn khí sinh học sử dụng trong hộ gia đình hay trong sản xuất. Sản xuất khí sinh học dựa trên cơ sở phân hủy kỵ khí các chất hữu cơ tự nhiên hay là quá trình lên men mêtan. Nguồn nguyên liệu để sản xuất biogas có thể nói là vô tận từ các loại bùn từ ao tù, đầm lầy, phế liệu, phế thải trong sản xuất nông, lâm nghiệp và các hoạt động sản xuất và chế biến nông lâm sản, xác động vật…

Hiện nay trên địa bàn cả nước có khoảng 500.000 hầm phân hủy biogas, có quy mô dưới 10m3 của các hộ gia đình nông dân. Riêng chương trình Khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam, do Chính phủ Hà Lan tài trợ, tính đến năm 2011 đã xây được 15.678 hầm biogas. Ước tính chỉ  có chưa đến 100 hầm biogas thương mại, với dung tích khoàng 100-200m3 tại các trang trại nuôi lợn. Tuy nhiên toàn quốc có tới 17.000 trang trại lợn, nghĩa là mới đạt 0,3% trang  trại có hầm biogas. Về  công nghệ, hầu hết các hầm ủ nhỏ là loại hầm vòm cố định xây băng gạch hoặc đúc sẵn bằng composite tại các cơ sở chuyên nghiệp…  Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhà máy sản xuất điện biogas nào được hòa lưới điện quốc gia.
ddb6532bb_biogasbinhdinhds.jpg
Hầm biogas của một gia đình ở Bình Định

Và trên thực tế, người dân đã sớm biết sử dụng biogas để đun nấu. Chẳng hạn, gia đình ông Nguyễn Văn Sanh ở xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom,  Đồng Nai. Từ cuối năm 2005, trại lợn của ông đã tăng lên gần 1.000 con và thế là ông nghĩ ngay đến việc làm hầm biogas để xử lý môi trường và tận dụng làm chất đốt.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, kết hợp với việc tham quan nhiều trang trại nuôi lợn quy mô lớn ở trong và ngoài tỉnh, ông Sanh đã tự thiết kế ra một kiểu hầm boigas hình bán nguyệt kiên cố với chi phí khoảng 30-40 triệu đồng với tổng thể  tích khoảng 50m3.

Không chỉ dùng gas cho việc nấu nướng và thắp sáng, đến nay ông Sanh đã dùng để chạy 3 máy phát điện, một máy xay xát thức ăn cho lợn. Sau 2 năm làm loại hầm này, gia đình tiết kiệm được chi phí khoảng vài trăm triệu đồng, đồng thời không làm ô nhiễm môi trường. Một sự trùng hợp thú vị là nếu ông Sanh mày mò xây hầm biogas thì kỹ sư Bùi Hoàng Lang (TP Hồ Chí Minh) đã thành công trong việc cải tiến máy phát điện công suất nhỏ (1-4kW) chạy bằng xăng sang sử dụng nhiên liệu biogas. Nhờ chuyển đổi bộ chế hòa khí, không làm ảnh hưởng đến cấu trúc chung của máy mở ra hướng mới cho người sử dụng máy phát điện trong ngành chăn nuôi, hàng ngàn máy phát điện hiện có trong các trang trại chăn nuôi có thể chuyển sang sử dụng nguồn nhiên liệu vừa rẻ, vừa không gây ô nhiễm môi trường.

Biogas hiện nay được sử dụng chủ yếu cho đun nấu và chiếu sáng ở quy mô hộ gia đình ở các khu vực nông thôn, rất ít nơi sử dụng biogas. Dự báo, nhu cầu sử dụng biogas cho đun nấu và chiếu sáng sẽ tăng cao tại các khu vực nông thôn.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, nhu cầu tiềm năng ở Việt Nam sẽ là một hệ thống biogas tích hợp, bao gồm thu gom rác thải, các thiết bị sản xuất khí và máy phát điện hoặc thiết bị sản xuất phân bón. Hầu hết các khách hàng tiềm năng sẽ là các trang trại chăn nuôi lớn, các nhà máy chế biến nông sản như sắn, đường và các công ty quản lý rác thải đô thị do áp lực về bảo vệ môi trường đối với các đơn vị này rất cao, khối lượng chất thải là đáng kể và vì vậy có thể cung cấp đủ cho các hệ thống với quy mô thương mại và thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn rẻ để đầu tư vào các công trình này.

Triển vọng phát triển

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay hầu hết các hầm biogas nhỏ, quy mô hộ gia đình được tài trợ bởi các tổ chức phi chính phủ. Đối với các quy mô sản xuất biogas lớn hơn, các nhà tài trợ như ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới, Danida… đang bắt đầu cấp vốn. Ngân hàng Thế giới bắt đầu xem xét cấp vốn thử nghiệm cho 8 cơ sở sản xuất biogas cho các trang trại lớn tại 8 tỉnh. ADB đang làm việc với Chính phủ nhằm phát triển một chương trình cho sản xuất biogas và hỗ trợ ngành nông nghiệp ít cacbon, với nguồn vốn được chuẩn bị khoảng 150 triệu USD, trong đó một phần vốn sẽ được dùng cho việc xây dựng 600 trạm sản xuất biogas cho 600 trang trại vừa và nhỏ, với 20% hỗ trợ tài chính từ chương trình. Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) cũng cung cấp một phần tài chính.

Ở một vài địa phương đã có các doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ xây hầm biogas và các thiết bị liên quan như các máy phát, bộ lọc, hóa chất… Một trong những công ty lớn có thể kể đến như: Hùng Vương, Nông Thôn Việt, Hưng Việt Composite, Cẩm Tuấn Phát Composite, Môi Trường Xanh, Anh Thái và Minh Tuấn. Hầu như không có công ty nước ngoài nào hoạt động tại các thị trường địa phương. Một số công ty nước ngoài từ Đức, Nhật và Mỹ… chỉ cung cấp máy phát, bộ lọc, hóa chất…

Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích các công ty tư nhân Việt Nam và các công ty nước ngoài đầu tư vào năng lượng tái tạo, bao gồm: khí sinh học và năng lượng sinh khối. Ví dụ, Chính phủ có tham vọng để gia tăng sự đóng góp từ năng lượng tái tạo cho phát điện (từ 3,5% năm 2010 tới 4,5% vào năm 2020 và tới 6% vào năm 2030) cũng như gia tăng tái chế chất thải. Trong năm 2011 Chính phủ thiết lập các mục tiêu 85% rác thải sinh hoạt đô thị phải được thu gom, trong đó 60% sẽ được tái chế; 40% rác thải sinh hoạt nông thôn phải được thu gom với 50% được tái chế trong giai đoạn 2011-2015 và 95% rác thải đô thị được thu gom, trong đó 85% sẽ được tái chế và 70% rác thải sinh hoạt nông thôn cũng được thu gom. Trong giai đoạn 2016-2020 sẽ có cơ bản được chế biến.

Hiện nay nhiều công ty tại Việt Nam đang muốn trở thành người tiên phong trong việc sử dụng năng lượng xanh cho sản xuất cũng như tìm kiếm các nguồn năng lượng khác nhau nhằm làm giảm chi phí của điện năng truyền thống trong quá trình sản xuất. Hy vọng sau khi việc chống dịch bệnh  cho đàn gia súc thành công, chăn nuôi phục hồi tốt và khi ấy biogas sẽ vào bệ phóng phát triển!

Năng lượng Mới số 136, ra thứ Ba ngày 10/7/2012