Thứ bảy, 23/11/2024 | 02:51 GMT+7

Hệ thống tưới nước nhỏ giọt bằng điện mặt trời

30/06/2012

Từ ngày ông Võ Ngọc Diệp lắp đặt và vận hành hệ thống tưới “nông nghiệp sinh thái” trên vườn thanh long đến nay đã được 8 tháng, trái thanh long được tưới nhỏ giọt lớn hơn, nở nang, đầy đặn, dễ bán và bán được giá.

Từ ngày ông Võ Ngọc Diệp lắp đặt và vận hành hệ thống tưới “nông nghiệp sinh thái” trên vườn thanh long đến nay đã được 8 tháng, trái thanh long được tưới nhỏ giọt lớn hơn, nở nang, đầy đặn, dễ bán và bán được giá.

Công nghệ “xanh”

Hệ thống tưới nhỏ giọt lắp đặt ở vườn thanh long của ông Diệp ở xã Lương Hòa Lạc, Chợ Gạo, Tiền Giang) là hệ thống khép kín dùng nguồn điện mặt trời, bơm trực tiếp và tưới thanh long theo cách nhỏ giọt vào từng trụ. Hệ thống pin mặt trời (bảng quang điện) dài 1,5 m, rộng 0,8 m, dùng để thu nhận ánh sáng mặt trời tạo ra điện. Nguồn điện 24 volt được tạo ra khi có ánh nắng và khi bật công tắc, dòng điện một chiều được dẫn trực tiếp vào moteur có công suất 375 W làm quay máy bơm. Ống thu nước có lưới ngăn rác thả xuống mương được máy bơm bơm vào hệ thống ống tưới bằng nhựa cứng trải cố định trên vườn (chôn dưới mặt đất). Tới mỗi trụ thanh long, đoạn ống nhựa trồi lên có gắn 2 van nhỏ giọt làm nhiệm vụ nhỏ nước tưới cây.

68eba1035_ong_diep.jpg
Ông Điệp vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt

Vì lấy nước từ mương vườn đầy lục bình, cỏ, nguy cơ xảy ra sự cố tắc nghẽn ống? Ông Diệp cho biết, chưa hề tắc ống hay vòi nhỏ giọt lần nào trong 8 tháng qua, vì ống nhựa đen chống rêu, nước đã được lọc kỹ. Ngoài lưới lọc ở ống lấy nước còn 2 cốc có gắn lưới lọc nữa (gắn trước và sau máy bơm) trước khi nước vào hệ thống ống tưới. Van nhỏ giọt là loại van có thiết kế “thông minh”, đĩa chia nước có cấu trúc khe hở mỏng cỡ tờ giấy và chia nhiều ngăn, tạo ra con đường zíc zắc khiến những con kiến riện (rất nhỏ và thường hiện diện trên vườn thanh long) cũng không chui vào được.

Hệ thống tưới vườn thanh long nói trên áp dụng công nghệ khai thác năng lượng sạch, sử dụng năng lượng thiên nhiên và tái tạo, dùng động cơ điện công suất nhỏ, thiết kế kiểu trục vít để tạo sức nén cao trong ống và tưới nhỏ giọt, tiết kiệm tài nguyên nước. Khi máy bơm chạy, hệ thống bơm tưới hoạt động nhưng không hề nghe tiếng động, không khói… không ô nhiễm môi trường.

Công suất nhỏ, lợi ích lớn

Theo tính toán của nhà thiết kế, nhu cầu nước tưới vườn thanh long đang trong thời kỳ khai thác, mỗi ngày, mỗi trụ thanh long cần 8 lít nước. Hiện tại với khoảng 700 trụ thanh long, ông Diệp chia vườn làm 3 khu, đường nước ra lắp 3 khóa con bướm. Khi máy vận hành chỉ một bướm mở tưới 250 trụ, hai bướm đóng. Sau 2 giờ đóng bướm khu vực đã tưới, mở một bướm khu vực chưa tưới và đóng hai bướm, luân phiên. Tổng thời gian vận hành máy của khu vườn 700 trụ là 6 giờ. Từ đó, suy ra số trụ khoảng 200 - 250 nhiều hơn thì tăng thêm 1 khóa con bướm.

Trong hệ thống tưới này, nhà thiết kế còn gắn một bình chứa phân bón (vỏ bình phun thuốc trừ sâu bằng nhựa dung tích 9,5 lít). Nhà vườn tính toán lượng phân bón cho số trụ thanh long của mỗi hệ thống, đưa hỗn hợp phân, nước vào bình. Trong quá trình bơm tưới, phân bón sẽ theo nước tưới đến từng gốc thanh long. Mức phân bón cho từng trụ phụ thuộc vào mức nhỏ giọt của các van nhỏ giọt và công việc của nhà vườn cần quan sát các van nhỏ giọt, chỉnh sao cho nhỏ thật đều khi tưới phân. Phân bón theo nước thẩm thấu xuống tận bộ rễ, cây dễ dàng hấp thụ; tránh được sự bay hơi hay rửa trôi phân xuống mương mà cây lại đói.

Tưới nhỏ giọt hiện đại đã xuất hiện ở Việt Nam khoảng 20 năm trước và được lắp đặt trong các nhà trồng cây đầu dòng, cây có giá trị cao trong bồn chậu, trong nhà lưới, nhà kiếng trồng cây theo mô hình công nghệ cao rất hiệu quả. Tưới nhỏ giọt cũng đã từng được đưa vào vườn dứa của nông trường Thọ Vực, Đồng Nai nhưng chỉ một thời gian ngắn phải dỡ bỏ do khó khăn trong bảo quản (bị chuột cắn phá và hư hỏng khi làm đất bằng máy). Các hệ thống tưới trước đây dùng nguồn điện lưới và tháp nước đặt trên cao tạo áp lực cho dòng chảy. Kiến và rêu thường làm tắc van nhỏ giọt.
 
Theo Báo Khoa học Phổ thông