Thứ tư, 06/11/2024 | 12:31 GMT+7

Hướng tới nền công nghiệp năng lượng carbon thấp

03/01/2012

Phát triển năng lượng carbon thấp sẽ tạo ra sự phát triển mới cho nhiều địa phương, góp phần tạo công ăn, việc làm, xóa đói, giảm nghèo ở các vùng sâu, vùng xa; là cơ hội để thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng cung cấp nguồn điện ổn định, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Việt Nam là nước đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp, nên không thuộc nhóm các nước phải cam kết cắt giảm khí nhà kính. Nhưng xét về lợi ích quốc gia lâu dài, Việt Nam có quyền chủ động nghiên cứu, xác định phương án phát triển carbon thấp, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhằm đạt 3 mục tiêu: Xóa đói, giảm nghèo, giảm phát thải và đối phó với biến đổi khí hậu.

Không còn là dự báo

Hiện nay, biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu không còn là dự báo, mà trở thành mối đe dọa, gây nên nhiều thảm họa và tai biến thiên nhiên trên toàn thế giới. Nguyên nhân chủ yếu lại chính do con người gây ra, trong quá trình phát triển và tồn tại đã thải vào bầu khí quyển một lượng lớn khí nhà kính. Giảm phát thải khí nhà kính được hiểu là giảm phát thải khí CO2, từ đó mới có khái niệm “Phát triển kinh tế carbon thấp” hay còn gọi là “Phát triển kinh tế xanh”. Các lĩnh vực chính được coi là nguồn phát thải khí nhà kính do con người gây ra, gồm: Năng lượng, các quá trình công nghiệp, lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất, nông nghiệp và quản lý chất thải.

2ca3e0817_cn.jpg

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia được dự báo sẽ bị tác động nghiêm trọng nhất do BĐKH toàn cầu và mực nước biển dâng. Với vị trí địa lý nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa, nên kinh tế Việt Nam nói chung và công nghiệp nói riêng phụ thuộc nhiều vào điều kiện khí hậu và thời tiết như bão, lũ, lụt và khô hạn hàng năm, gây nhiều thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Tính đến nay, Việt Nam đã 2 lần công bố Thông báo quốc gia cho Công ước khung của Liên Hiệp quốc về BĐKH vào các năm 2003 và 2010. Năm 2000, nông nghiệp là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm tới 43,1%, tiếp đó là năng lượng chiếm 35%, nhưng đến năm 2010, năng lượng lại trở thành nguồn phát thải lớn nhất, tăng gấp 2 lần. Vì thế, trong lĩnh vực hướng tới phát triển công nghiệp xanh, Việt Nam phải đặc biệt chú trọng phát triển năng lượng carbon thấp. Đây là một trong những định hướng quan trọng của ngành năng lượng trong nhiều năm tới. Nhìn từ góc độ kinh tế, mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện vẫn dựa chủ yếu vào khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tiêu thụ nhiều năng lượng hóa thạch, gây ô nhiễm và làm cạn kiệt, suy thoái môi trường. Năng lượng hóa thạch là nguồn năng lượng không tái tạo và có giới hạn. Nếu con người khai thác, sử dụng lãng phí và không hiệu quả thì chẳng bao lâu, nguồn năng lượng này sẽ cạn kiệt. Dự báo của Liên Hiệp quốc (World Energy Assessment Overview:2004 Update), lượng năng lượng hóa thạch đã xác định chỉ đủ dùng trong khoảng 41 năm đối với dầu mỏ, 64 năm đối với khí thiên nhiên và 251 năm đối với than. Như vậy, ngay trong thế kỷ này, chúng ta phải tìm nguồn năng lượng thay thế cho dầu mỏ và khí thiên nhiên.

Dịch chuyển dần sang năng lượng mới

Nguồn năng lượng hóa thạch rất quan trọng đối với loài người, nhưng cũng là nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất. Khi bị đốt cháy, nhiên liệu hóa thạch tạo ra lượng khí thải carbon dioxide rất lớn. Trong các dạng năng lượng này, than là nhiên liệu chứa hàm lượng carbon cao nhất. Để giảm thiểu BĐKH, phải bảo đảm lượng phát thải carbon từ nguồn năng lượng hóa thạch không quá 14,5 GT mỗi năm, nhưng hiện nay đã vượt gần gấp đôi con số này và vẫn trên đà gia tăng, nếu các quốc gia không cam kết giảm phát thải. Vì vậy, để bảo đảm phát triển bền vững, cần phải đổi mới công nghệ giảm phát thải carbon, hoặc từng bước chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng mới tái tạo, ít tác động xấu tới môi trường.

09b871a10_gio.jpg

Nguồn năng lượng mới tái tạo đã được phát hiện và phát triển khá phổ biến trên thế giới, bảo đảm cho phát triển lâu dài, bền vững, như: Năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối... Các nguồn năng lượng tái tạo sạch này không gây ô nhiễm môi trường, không phát thải carbon và các khí độc hại, được gọi là năng lượng không phát thải carbon.

Hiện nay, do các nguồn năng lượng mới tái tạo đều có giá thành cao hơn so với sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch, nên việc thay thế dần nguồn năng lượng hóa thạch bằng nguồn năng lượng tái tạo chưa thể thực hiện được. Vì vậy, Bộ Công Thương cần có chiến lược sử dụng hỗn hợp năng lượng tái tạo và không tái tạo, bảo đảm mục tiêu an ninh năng luợng quốc gia và phát triển bền vững. Sau đó, sẽ tăng dần tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cung cấp điện năng và nhiệt năng, tùng bước giảm dần phát thải carbon. Đối với việc sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch, phải đổi mới công nghệ, chuyển hẳn sang công nghệ than sạch, với mục tiêu giảm phát thải carbon bằng 0. Đây là việc cần làm ngay, vì trong thế kỷ 21, nguồn điện năng chủ yếu của Việt Nam sẽ dựa vào nhiệt điện than. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Xét về lợi ích toàn cầu, phát triển ngành năng lượng carbon thấp ở Việt Nam sẽ góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính vào bầu khí quyển, làm chậm lại quá trình nóng lên toàn cầu. Về lợi ích quốc gia, việc phát triển carbon thấp sẽ giúp tiết kiệm được đầu vào năng lượng, tăng hiệu suất sử dụng, giảm nhập khẩu năng lượng sau năm 2015, đồng thời giảm nhập siêu cho đất nước. Phát triển năng lượng carbon thấp sẽ tạo ra sự phát triển mới cho nhiều địa phương, góp phần tạo công ăn, việc làm, xóa đói, giảm nghèo ở các vùng sâu, vùng xa; là cơ hội để thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng cung cấp nguồn điện ổn định, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tiến sĩ Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam